Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam tách khỏi tên lửa, bay vào quỹ đạo hơn một thập kỷ: Đã bay được 53.000 vòng quanh Trái Đất, cung cấp gần 160 nghìn cảnh ảnh
Dù đã quá hạn sử dụng so với thiết kế nhưng hiện vệ tinh này vẫn đang hoạt động tốt trong quỹ đạo.
Bước tiến mới của khoa học - công nghệ vũ trụ Việt Nam
VNREDSat-1 (tên đầy đủ Vietnam Natural Resources, Environment and Disaster-monitoring Satellite-1) là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái Đất. Vào lúc 9 giờ 6 phút sáng ngày 7/5/2013 (giờ Hà Nội), vệ tinh VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào không gian từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp nhờ vào tên lửa đẩy VEGA.
Chỉ sau 1 giờ, 57 phút và 24 giây từ khi cất cánh, VNREDSat-1 đã tách ra khỏi tên lửa đẩy và tự di chuyển vào quỹ đạo định sẵn, bắt đầu nhiệm vụ quan sát của mình. VNREDSat-1 không chỉ là vệ tinh đơn lẻ mà còn là một hệ thống hoàn thiện, bao gồm các trạm điều khiển và trạm thu nhận, xử lý ảnh từ vệ tinh, tạo nên một hệ thống quan sát toàn diện phục vụ mục tiêu nghiên cứu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường và giám sát thiên tai.
VNREDSat-1 có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm và nặng khoảng 120kg. Dự án VNREDSat-1 được khởi động dựa trên nhu cầu thực tế của Việt Nam, đồng thời hướng tới xu hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ trên thế giới. Tổng kinh phí đầu tư dự án được tài trợ từ khoản vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp, cùng với 64.820 triệu đồng vốn đối ứng từ phía Việt Nam.
Ngoài ra, Viện Công nghệ Vũ trụ cũng xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với khả năng chụp ảnh toàn cầu, VNREDSat-1 đã trở thành công cụ đắc lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng từ cấp Nhà nước, cấp Bộ đến các địa phương.
Không chỉ phục vụ trong nước, VNREDSat-1 còn đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ASEAN và quốc tế. Vệ tinh đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Sentinel Asia, UNESCAP, APRSAF và nhiều tổ chức khác, hỗ trợ các nỗ lực phòng chống thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu.
Hoạt động hiệu quả dù đã gấp đôi tuổi thọ thiết kế
VNREDSat-1 ban đầu có tuổi thọ dự kiến 5 năm, nhưng đến nay vệ tinh đã hoạt động bền bỉ trên quỹ đạo hơn 10 năm - gấp đôi thời gian dự kiến và vẫn duy trì hiệu suất cao. Vệ tinh này tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý rừng, tài nguyên nước, giám sát thiên tai, lập bản đồ đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng và quản lý vùng ven biển.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 16/05/2023 trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt 10 năm hoạt động, VNREDSat-1 đã bay quanh Trái đất 53.000 vòng, tương đương với quãng đường 2,4 tỷ km. Các tham số quỹ đạo của vệ tinh như độ cao (680km), góc nghiêng quỹ đạo (98,1 độ) và giờ địa phương tại điểm xuống (10:32) vẫn duy trì ổn định. Vệ tinh đã thực hiện tổng cộng 56 lần hiệu chỉnh quỹ đạo, bao gồm 2 lần hiệu chỉnh lớn, 15 lần hiệu chỉnh tránh va chạm và nhiều lần hiệu chỉnh kỹ thuật nhỏ khác.
Ảnh chụp sông Hồng đoạn đi qua Hà Nội tại độ phân giải 2.5m, thu được sau khi phóng vệ tinh 48h. Ảnh: Internet
Đến tháng 5/2023, vệ tinh VNREDSat-1 vẫn còn 2kg nhiên liệu (so với 4,3kg khi vừa đi vào quỹ đạo), đủ để duy trì các hoạt động điều chỉnh quỹ đạo trong nhiều năm tới. Điều này cho thấy sự hiệu quả trong công tác điều khiển quỹ đạo và quản lý vận hành vệ tinh.
Trước đó, cuối năm 2021, sau hơn 8 năm hoạt động, VNREDSat-1 gặp sự cố nghiêm trọng về phần cứng liên quan đến hệ thống lưu trữ dữ liệu và điều khiển, khiến vệ tinh phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 9/11/2021 đến 25/3/2022. Tuy nhiên, thay vì hợp tác với hãng chế tạo vệ tinh với chi phí lớn và mất nhiều thời gian, đội ngũ cán bộ Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Công nghệ vũ trụ, đã phối hợp cùng các chuyên gia Việt Nam để khôi phục thành công hệ thống, đưa vệ tinh trở lại hoạt động và tiếp tục chụp ảnh.
Với tính ưu việt trong khả năng vận hành ổn định và chủ động, VNREDSat-1 đã cung cấp gần 160.000 ảnh vệ tinh bao phủ các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới. Thành công của VNREDSat-1 đã đóng góp quan trọng vào Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, được Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Trong thời gian tới, việc tiếp tục vận hành hiệu quả VNREDSat-1 cùng những kinh nghiệm quý báu thu được sẽ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2030.