Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao sau bức tranh kinh tế 9 tháng.
Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nền kinh tế vẫn phát triển trong 9 tháng năm 2022
Trong 9/2022, hoạt động kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế bị thu hẹp, đầu tư, thương mại toàn cầu giảm sút. Các nền kinh tế hàng đầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm tác động lan rộng đến hoạt động thương mại quốc tế Việt Nam.
Các rủi ro, bất ổn đan xen phức tạp buộc nhiều nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Lạm phát tiếp tục là rủi ro lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế, giá năng lượng, lương thực tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động phức tạp, khó lường. Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét.
Tổ chức Thương mại Thế giới nhận định kinh tế thế giới đang chịu khủng hoảng đa tầng: xung đột Nga-Ukraine; biến đổi khí hậu; hậu quả của dịch COVID-19.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới đáng giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại so với cách đây vài tháng và dự báo tăng từ 2,8-3% trong năm 2022 và tăng từ 1,7-2,4% vào năm sau. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc gặp rủi ro.
Theo dự báo của OECD, kinh tế Mỹ tăng 1,5% trong năm 2022 và 0,5% vào năm 2023. Kinh tế Trung Quốc có thể tăng 3,2% trong năm nay và 4,7% vào năm sau.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguồn và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng
Trong bối cảnh đó, kết quả 9 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%, đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, với bức tranh kinh 9 tháng có nhiều điểm sáng.
Trong bức tranh tăng trưởng chung 8,83%, khu vực nông nghiệp và thuỷ sản tăng 2,99%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; đặc biệt khu vực dịch vụ tăng 10,57%, là khu vực quan trọng quyết định mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm nay, việc điều hành linh hoạt, kịp thời giá các mặt hàng chiến lược là nền tảng trong kiểm soát lạm phát 9 tháng ở mức thấp trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực và giá thực phẩm tăng cao.
Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, vượt qua khó khăn về thiếu nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, khó khăn về tài chính.
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở phía trước.
Hệ luỵ của dịch COVID-19, khủng hoảng Nga-Ukraine, Fed và ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam.
Điều này, đặc biệt tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của nước ta với 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa được thực hiện bằng đồng USD, các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước. Hiện nay, trên một số lĩnh vực, đơn hàng xuất khẩu giảm so với trước.
Xem thêm: Những điều cần biết về thị trường tuần này (3-7/10)