Vì sao 2 năm sau khi Evergrande vỡ nợ, Chủ tịch Hứa Gia Ấn mới bị quản thúc?
Nhiều nhân viên của công ty quản lý tài sản trực thuộc Evergrande đã bị bắt giữ. Con trai của ông Hứa, Peter Xu, người từng điều hành mảng này, cũng bị bắt,
China Evergrande Group đã “thổi bay” tài sản của nhiều nhà đầu tư quốc tế, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và hàng nghìn nhà cung ứng lao đao. Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, “giọt nước làm tràn ly” trong vụ này nằm ở chỗ khác: Evergrande không thể trả lại tiền cho rất nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản mà tập đoàn này đã phát hành.
Gần 2 năm sau khi Evergrande vỡ nợ, Chủ tịch tập đoàn, tỷ phú Hứa Gia Ấn mới đây đã bị cảnh sát quản thúc vì nghi đã phạm phải một số tội danh chưa xác định. Nhiều nhân viên của công ty quản lý tài sản trực thuộc Evergrande đã bị bắt giữ. Con trai của ông Hứa, Peter Xu, người từng điều hành mảng này, cũng bị bắt, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Hồi tháng 8, công ty quản lý tài sản của Evergrande thông báo không thể trả tiền cho các khách hàng nhỏ lẻ. Giống như nhiều nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc, Evergrande sử dụng những sản phẩm quản lý tài sản (WMP) được bán các nhà đầu tư cá nhân như 1 kênh huy động vốn trong lúc các nguồn tài trợ khác ngày càng khó tiếp cận hơn.
Động thái cứng rắn đối với Evergrande cũng phù hợp với mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính phủ nước này thể hiện ưu tiên cho lợi ích của công dân hơn là các cổ đông khác của Evergrande, ví dụ như các trái chủ nước ngoài. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu cho thấy các tập đoàn bất động sản nặng nợ khác nên tập trung vào việc hoàn thành các căn hộ còn dang dở và trả lại tiền cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Khi Evergrande cạn kiệt tiền mặt 2 năm trước, mảng quản lý tài sản đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho các sản phẩm đầu tư có tổng giá trị lên tới khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,5 tỷ USD). Thời điểm đó, đã xảy ra một số cuộc biểu tình và buộc Evergrande phải trả nợ bằng những căn hộ giảm giá.
Zhao là một trong những nhà đầu tư như vậy. Trong 2 năm qua, cô mòn mỏi đợi chờ và liên tục nộp đơn yêu cầu cảnh sát điều tra mà không thành công. Cuối tháng trước, Zhao may mắn nhận được thông báo yêu cầu của mình đã được tiếp nhận.
Hơn cả mong đợi, cảnh sát và các cơ quan chức năng ở thành phố Thâm Quyến cho biết sẽ làm việc xuyên cả kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày để giải quyết đơn khiếu nại của hàng chục nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ban đầu Evergrande đặt kế hoạch mỗi quý sẽ trả 10% tiền gốc cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên 3 tháng sau, con số giảm xuống còn 8.000 nhân dân tệ mỗi tháng và 1 năm sau, số tiền nhà đầu tư được chi trả giảm xuống chỉ còn khoảng 500 tệ. Nếu nhà đầu tư đã rót vào đây 100.000 tệ, họ mất tới 17 năm để nhận về đầy đủ.
Trong những năm gần đây, các nhà quản lý đã siết chặt quy định đối với các sản phẩm quản lý tài sản và nhiều góc khác của hệ thống “ngân hàng trong bóng tối”. Tháng này, Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch chống lại các hoạt động huy động vốn bất hợp pháp để bảo vệ các hộ gia đình.
Ngoài các WMP được phát hành bởi các nhà phát triển bất động sản, áp lực cũng đang dâng lên đối với những sản phẩm phát hành bởi các công ty tín thác.
Số liệu thống kê cho thấy các bên cho vay ngoài hệ thống ngân hàng (thường đóng gói các sản phẩm đầu tư cho các định chế tài chính và cá nhân giàu có) đã huy động được hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ cho các công ty bất động sản. Hồi tháng 8, Zhongrong International Trust trả nợ trễ hạn, làm dấy lên các cuộc biểu tình và thổi bùng nỗi lo ngại về hệ thống tài chính ngầm trị giá 60.000 tỷ USD của Trung Quốc.
Đối với các khách hàng giàu có của Evergrande, có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để có thể lấy lại tiền. Tuy nhiên Zhao tỏ ra khá lạc quan. “Tôi hi vọng mọi chuyện sẽ sớm chấm dứt và tôi có thể lấy lại toàn bộ số tiền”, cô nói.