Vì sao gần 1 thập kỷ tới, người Việt Nam không thể đón Giao thừa vào 30 Tết?
Đến tận năm 2033 (dương lịch), tức sau 8 năm kể từ Tết Nguyên đán 2024, người Việt Nam mới đón Giao thừa ngày 30 Tết. Vì sao vậy?
Ở Việt Nam, ngày Tất niên là ngày cuối cùng của năm tính theo lịch âm (tức là ngày 30/12 âm lịch hay còn gọi là ngày 30 Tết). Theo quan niệm xa xưa của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, thiêng liêng nhất chính là thời khắc Giao thừa - khi đất trời và con người như hòa cùng một nhịp, đón không khí chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Ngày 30 Tết đối với mỗi người Việt như một "cột mốc" lớn trong năm. Dù có đang ở đâu, đang làm gì đi chăng nữa thì muộn nhất 30 Tết nhất định phải hoàn thành, gác lại bộn bề, trở về bên gia đình cùng ăn bữa cơm Tất niên. Sau đó là chuẩn bị đón lễ Giao thừa.
Tuy nhiên, phụ thuộc vào cách tính của lịch âm, không phải năm nào cũng có ngày 30 Tết, những năm thiếu thì sẽ kết thúc vào ngày 29. Điều này từng xảy ra vào năm 2021, khi chúng ta phải đón Giao thừa vào ngày 29 Tết.
Thế nhưng, có một sự thật mà ít người biết rằng, chúng ta sẽ phải đợi thêm 8 năm nữa mới được tận hưởng cảm giác của ngày 30 Tết thật sự. Từ sau năm 2024 trở đi, người Việt Nam sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết vì liên tục trong 8 năm (từ 2025-2032), tháng Chạp chỉ có 29 ngày.
Vì sao gần một thập kỷ nữa mới có ngày 30 Tết?
Điều này liên quan tới thuật toán tính lịch âm. Một tháng âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của Mặt Trăng từ không trăng, trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt, trăng khuyết, trăng tròn và ngược lại. Mỗi tháng bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà Mặt Trăng ở cùng phía với Mặt Trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 âm lịch.
Thời gian từ điểm sóc này tới điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Đó là do quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời và quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất là hình bầu dục chứ không tròn, nên tốc độ di chuyển của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời không đều, khiến cho thời gian để chúng gặp lại nhau (gọi là giao hội) hàng tháng không bằng nhau.
Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Hệ quả là từ điểm sóc này (tính là ngày mùng 1) tới điểm sóc tiếp theo có thể rơi vào ngày thứ 30 hoặc sang ngày thứ 31. Ngày này trở thành ngày mùng 1 tháng tiếp theo và tháng trước đó tương ứng sẽ có 29 hoặc 30 ngày (gọi là tháng thiếu hoặc đủ).
Độ dài tuần trăng dao động nhưng vì điểm sóc xảy ra sớm trong ngày mùng 1 tháng Chạp nên điểm sóc tháng Giêng tiếp sau vẫn nằm gọn trong ngày thứ 30 tính từ ngày đó. Ngày thứ 30 này trở thành ngày mùng 1 Tết và tháng Chạp dừng lại vào ngày 29 liền trước đó.
Việc độ dài tuần trăng và điểm sóc thay đổi từng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên không thể định ra quy luật mà phải tính toán chính xác theo thực tế mỗi tháng. Không riêng gì tháng Chạp, tháng âm lịch nào cũng có thể thiếu hoặc đủ.
Do đó, hiện tượng 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu - chỉ có 29 ngày - như giai đoạn 2025-2032 như đã nói ở trên chỉ là một sự trùng hợp. Hiện tượng này ít được biết đến và rất thú vị, tuy nhiên không hẳn là quá hiếm. Chẳng hạn như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020), liên tiếp 5 năm có tháng Chạp đủ.
>> Không còn nỗi lo rối loạn tiêu hóa ngày Tết chỉ với 5 mẹo được chuyên gia gợi ý