Học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng kịch trần. Tuy nhiên, cũng có trường tính toán học phí ở mức vừa phải nhằm chia sẻ với người học.
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Học phí các trường có một năm bình yên. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Theo thông tin từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong hai năm (năm học 2020-2021 và 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được quy định bởi nghị định 81/2021/NĐ-CP, theo đó học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước.
Cũng trong năm học tới, học phí Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng. Trong khi đó, học phí năm học tới của Trường đại học Y dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, răng hàm mặt, y tế công cộng, dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm. Ở chiều ngược lại, một số ngành lại có học phí giảm mạnh so với năm học trước như kỹ thuật phục hình răng giảm 18 triệu đồng, từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm.
Ở khu vực phía Bắc, theo thông báo của Trường đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có công văn thông báo mức thu học phí năm nay, theo đó học phí hệ đại trà cao nhất là 440.500 đồng/tín chỉ (Khóa 42)- tăng 61%, đối với hệ chất lượng cao học phí cao nhất là 1.090.900 đồng/tín chỉ.
Nhiều ngành tại Trường đại học Y Hà Nội có học phí tăng mạnh từ 14,3 triệu đồng của năm học trước lên 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71,3%.
Đây là mức học phí trần của nghị định 81. Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.
Đa số học phí được các trường lấy theo mức trần (mức cao nhất) nghị định 81. Ông Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.
Lý giải việc học phí nhiều ngành tăng, giảm so với học phí năm trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết học phí năm nay được xác định theo nghị định 81 nên có một số thay đổi dẫn đến học phí được điều chỉnh tăng so với năm học trước.
Trong khi đó, nhiều trường không áp mức trần học phí theo quy định mà tính toán, xác định học phí ở mức thấp hơn. Ông Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết trường không áp dụng mức trần học phí mà tính toán nhiều mức học phí khác nhau.
Trong năm 2021, CPI nhóm giáo dục giảm 0.43% (làm CPI chung giảm 0.03 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0.5% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ làm CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55-1,05% và học phí năm học 2022-2023 dự kiến làm CPI tăng 1,5-2,8%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin giá dịch vụ giáo dục trong quyền số tính CPI rất cao (5,45%) và dự kiến sẽ có tốc độ tăng từ 10-19%. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vẫn còn hỗ trợ. Vấn đề đặt ra là khi không còn được Nhà nước hỗ trợ, phải có giải pháp để các tỉnh, thành phố không đồng thời tăng giá dịch vụ giáo dục.
Nhấn mạnh cần hết sức thận trọng khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập cần tính toán kỹ tác động và có lộ trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2030 dự kiến tăng 40-90%, tác động đến CPI chung năm 2022 từ 0,55-1,05%, là con số rất lớn.
Top 5 ngành nghề không lo thất nghiệp lại được lương cao sau khi ra trường