Lựa chọn ngành nghề có nhu cầu nguồn nhân lực lớn hiện đang là xu hướng chung của phần lớn học sinh mới tốt nghiệp cấp 3 vì các ngành nghề này đều có đặc thù riêng và có mức lương tương đối "hậu hĩnh" với sinh viên mới ra trường.
Sau khi tốt nghiệp đại học, điều khiến sinh viên “đau đầu” nhất là tìm kiếm việc làm. Việc chọn đúng ngành, đúng nghề là chuyện vô cùng quan trọng, có vai trò quyết định con đường sự nghiệp trong tương lai.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước nên top 5 ngành nghề sau đây đã, đang và sẽ góp phần giúp nền kinh tế phát triển hơn, vì vậy đây là các nhóm ngành có yêu cầu nguồn nhân lực tương đối lớn.
Công nghệ thông tin
Nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam tăng cao liên tục. Trong năm 2021, Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT nhưng số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Vì CNTT là nhóm ngành đang có xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao và luôn nằm trong top đầu những ngành có lương và thu nhập cao; luôn nằm trong nhóm ngành nghề được ưu tiên phát triển nhất thế kỉ 21, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Mức lương trung bình cho một sinh viên CNTT mới tốt nghiệp là từ 9 - 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, các ngành đều sẽ có sự thay đổi và sự chênh lệch của mức thu nhập ở nhóm ngành này là khá xa nên sẽ phụ thuộc vào năng lực cá nhân.
Digital Marketing
Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trên thị trường. Để tồn tại các doanh nghiệp cần có một chiến lược marketing bài bản mang lại hiệu quả cao với chi phí hợp lý. Digital Marketing hiện đang là giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
Công việc của một Digital Marketer rất đa dạng, dàn trải từ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (liên quan đến Google, Bing, Yahoo…), đẩy website lên top đầu trang tìm kiếm, thiết kế giao diện website, viết nội dung blog cho đến tiến hành phân tích đối thủ, triển khai kênh email marketing, sản xuất video YouTube, TikTok…
Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho đến 2025, ngành Marketing cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm.
Với mức lương trung bình từ 12 – 17 triệu cho vị trí bắt đầu trong lĩnh vực Digital marketing, mức lương này tương đối cao hơn so với các ngành khác (trung bình từ 5 - 9 triệu đồng).
Công nghệ kỹ thuật ô tô
Sự thay đổi và phát triển không ngừng của ngành công nghệ kỹ thuật ô tô trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành.
Công nghiệp ô tô được nhận định là một ngành đi đầu và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghệ ô tô, cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với trình độ tay nghề cao đang cực kỳ rộng mở. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả 10 - 30 triệu đồng mỗi tháng để tìm kỹ sư hệ thống ô tô và điều khiển.
Thiết kế đồ hoạ
Theo kết quả thống kê sơ bộ của Trung tâm dự báo Nhân lực và thị trường lao động, từ khoảng năm 2017 đến nay, nhu cầu nhân sự làm việc trong ngành thiết kế đồ họa luôn ở mức cao, với ít nhất 1.500 lao động.
Mức lương khởi điểm của nhân viên thiết kế đồ họa ở vai trò này hiện đang dao động trong khoảng từ 5 – 10 triệu đồng.
Thiết kế đồ họa thật sự là một ngành nghề hấp dẫn từ thu nhập đến cơ hội nghề nghiệp. Nếu có sự đầu tư kỹ lưỡng và nghiêm túc theo đuổi công việc, bạn hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng vững chắc trong nghề cho mình.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành quản lý mạng lưới kết nối của các doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng với nhiều quy trình khác nhau, bao gồm lưu trữ, vận chuyển nguyên vật liệu, quá trình xử lý hàng tồn kho, sản xuất… Đây là một trong những ngành quan trọng, không thể thiếu trong guồng quay kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo Forbes Vietnam, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành Logistics Việt Nam lên đến 2,2 triệu lao động với hơn 30.000 doanh nghiệp Logistics đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng nhân sự hiện tại của ngành này chỉ đáp ứng được 40%, trong đó 10% nhân lực được đào tạo bài bản.
Ở Việt Nam, mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng; mức lương trung bình của vị trí Quản lý Logistics là 3,000 - 4,000 USD/tháng và Giám đốc Chuỗi cung ứng là 5,000 - 7,000 USD/tháng.
Trước những cơ hội làm việc và chính sách đãi ngộ tốt của top 5 ngành nghề đang “hot”, sinh viên cần cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn ngành học để có cơ hội việc làm sau khi ra trường, đảm bảo khắc phục nỗi lo “thất nghiệp”.