Vì sao nhóm ngân hàng liên tục tăng vốn?

14-12-2021 15:08|Danh Khôi

Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 15 ngân hàng được chấp thuận triển khai phương án tăng vốn điều lệ với tổng số vốn tăng thêm gần 100 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) vừa thông báo đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021.

Cụ thể, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77% vốn điều lệ. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Hiện vốn điều lệ của BIDV là hơn 40.220 tỷ đồng, chỉ đứng sau VietinBank (48.058 tỷ đồng) và VPBank (44.455 tỷ đồng).

Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng lên hơn 15.817 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai trong năm nay, TPBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Trước đó trong quý III/2021, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) mới đây cũng đưa ra thông báo về việc sẽ trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu.

Cụ thể, ngân hàng phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới. Thông qua điều này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ hơn 37.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng còn dự kiến phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Trong tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Sài gòn – Hà Nội (SHB) cũng công bố việc được chấp thuận tăng vốn từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng.

Ngân hàng An Bình (ABB) cũng thông báo trong thời gian từ ngày 18/11 đến 8/12/2021, ngân hàng này nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng trên một cổ phiếu để tăng vốn.

Tính chung, từ đầu năm đến nay, có khoảng 15 ngân hàng được chấp thuận triển khai phương án tăng vốn điều lệ. Nếu các kế hoạch tăng vốn hoàn tất, dự kiến hết năm 2021 sẽ có khoảng 100 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ bổ sung vào nguồn lực tài chính của các ngân hàng.

Việc các ngân hàng liên tục tăng tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II đã được hầu hết các ngân hàng nêu trên triển khai trong nhiều năm gần đây.

Được biết, CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Hệ số này càng cao có nghĩa là tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng của ngân hàng càng lớn.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN được NHNN ban hành có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng phải đáp ứng được chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu 8%. Cùng với đó, theo quy định pháp luật, chậm nhất đến ngày 01/01/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

anh-2.png

Theo công thức trên, có thể suy ra để đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, thì khi muốn tăng mức độ an toàn vốn hay đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% thì các ngân hàng buộc phải tăng vốn tự có (tử số) hoặc là giảm thiểu tốc độ tăng tổng tài sản có rủi ro quy đổi (mẫu số). Tuy nhiên, nếu không tăng tổng tài sản, hay không thể tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng quy mô… thì sẽ khó cạnh tranh và đảm bảo hoạt động kinh doanh, vì thế đa phần ngân hàng sẽ chọn tăng vốn.

Ngoài lý do trên, tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động tín dụng khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị kiểm soát chặt hơn theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

BIDV phân bổ tiền từ trái phiếu xanh cho dự án điện gió và ô tô điện

BIDV (BID) cán mốc tổng tài sản trên 100 tỷ USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-nhom-ngan-hang-lien-tuc-tang-von-130483.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao nhóm ngân hàng liên tục tăng vốn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH