Vì sao TP.HCM đề nghị rà soát hệ sinh thái của công ty Phú Mỹ?
Đề nghị rà soát lại việc đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh đối với Công ty Phú Mỹ (PMC), cũng như hệ sinh thái của công ty (nếu có) để có biện pháp chế tài thu hồi hơn 355 tỉ đồng .
Đó là kiến nghị của Tổ công tác liên ngành kiến nghị UBND TP.HCM về việc giao Sở KH-ĐT rà soát lại việc đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh đối với Công ty Phú Mỹ cũng như hệ sinh thái của công ty (nếu có) để báo cáo UBND TP.HCM có biện pháp chế tài.
Rà soát để có biện pháp chế tài…
Đáng chú ý, liên quan tới việc TP.HCM phải thu hồi hơn 355 tỉ đồng từ Công ty Phú Mỹ, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp chỉ này mới nộp chưa tới khoảng 3,5%, đồng thời nợ thuế hơn 38 tỉ đồng.
Trước sự việc nêu trên, mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ (Công ty Phú Mỹ - PMC) về việc thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án BT (xây dựng - chuyển giao) xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ.
Đáng nói, đường dẫn cầu Phú Mỹ là 1 trong 4 dự án BT thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2018 được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình đầu tư xây dựng, thanh quyết toán.
Đặc biệt, trong kết luận kiểm toán hồi năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành và nhà đầu tư thu hồi nộp ngân sách hơn 355 tỉ đồng.
Sau đề nghị trên, UBND TP.HCM thành lập tổ công tác thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án BT đường dẫn cầu Phú Mỹ, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở ngành tìm giải pháp thu hồi ngân sách hơn 355 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở nhưng Sở Tài chính cho biết tính đến tháng 6/2023, Công ty Phú Mỹ mới chỉ nộp 12,7 tỉ đồng tương đương 3,5%, số tiền chưa nộp thực tế lên tới 342,7 tỉ đồng.
Đối với các khoản nợ thuế, Cục Thuế TP.HCM cho biết: “Công ty Phú Mỹ đang nợ thuế quá hạn hơn 38 tỉ đồng. Do đó, biện pháp chế tài mà Cục Thuế đã thực hiện là ban hành quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty này và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Theo Cục Thuế TP.HCM, hiện Cục Thuế không còn biện pháp chế tài nào khác đối với Công ty Phú Mỹ nhằm thu hồi nộp ngân sách nhà nước đối với số tiền hơn 342 tỉ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Trước sự việc nêu trên, trong văn bản mới đây, Tổ công tác liên ngành đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở KH-ĐT rà soát lại việc đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh đối với Công ty Phú Mỹ cũng như hệ sinh thái của công ty (nếu có) để báo cáo UBND TP.HCM có biện pháp chế tài.
Đồng thời, Tổ công tác cũng kiến nghị giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở Xây dựng rà soát các quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở do Công ty Phú Mỹ là nhà đầu tư đề xuất (nếu có), đồng thời giao Sở TN-MT rà soát các khu đất có liên quan do Công ty Phú Mỹ là nhà đầu tư.
Ngoài ra, giao Sở GTVT rà soát thời gian thu phí còn lại của hợp đồng BOT xây dựng cầu Phú Mỹ do Công ty Phú Mỹ là nhà đầu tư, dự kiến nguồn thu từ cầu Phú Mỹ để báo cáo trình UBND TP.HCM phương án thu, hoàn trả nộp ngân sách theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước từ nguồn thu này.
Theo dữ liệu của Diễn đàn Doanh nghiệp, Dự án xây dựng đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ nối Q.7 với Q.2 và Q.9 (TP.Thủ Đức) thực hiện theo hợp đồng BT, khởi công từ tháng 3/2008 và hoàn thành vào tháng 8/2013. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu chỉ 1.275 tỉ đồng nhưng sau đó tăng lên 2.792 tỉ đồng, tổng mức đầu tư này đã được UBND TP.HCM phê duyệt quyết toán.
Tuy nhiên, trong kết luận kiểm toán năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán, nhất là khâu phê duyệt quyết toán.
Cụ thể, UBND TP.HCM thanh toán hơn 1.339 tỉ đồng cho nhà đầu tư và được Kho bạc Nhà nước chấp thuận hồ sơ thủ tục khi chưa phê duyệt điều chỉnh tổng vốn đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng BT là sai quy định về thanh toán nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành và nhà đầu tư xử lý tài chính khoản tiền gần 588 tỉ đồng, bao gồm thu hồi nộp ngân sách hơn 355 tỉ đồng, giảm thanh toán gần 90 tỉ đồng, điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng BT hơn 90 tỉ đồng và giảm thuế GTGT được khấu trừ gần 52 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu TP.HCM phải rà soát, quyết toán lại các chi phí đầu tư mà kiểm toán xác định chưa đủ căn cứ, cơ sở để quyết toán với giá trị hơn 646 tỉ đồng liên quan đến chi phí bù giá nhân công, máy thi công, lãi vay và lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng, lợi nhuận nhà đầu tư…
Không tổ chức đấu thầu
Trước đó, liên quan đến một số sai phạm trong khâu toán cũng như công tác đấu thầu dự án, tháng 8/2020, Kiểm toán Nhà nước đã từng có văn bản chỉ ra những sai phạm và yêu cầu Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ nộp ngân sách nhà nước hơn 355 tỉ đồng thanh toán không đúng quy định.
Cụ thể, dự án trên được dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng đến năm 2008, UBND TP.HCM chuyển sang hình thức đối tác công tư. Thế nhưng, UBND TP.HCM chưa gửi Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến để xây dựng danh mục và công bố dự án theo quy định.
Đến khi lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP.HCM cũng không tổ chức đấu thầu theo quy định tại điều 10, điều 11 NĐ số 78/2007/NĐ-CP mà chỉ định Công ty BOT Cầu Phú Mỹ (Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ - PMC) thực hiện dự án. KTNN xác định, việc chỉ định nhà đầu tư khi PMC chưa lập hồ sơ đề xuất gửi UBND TP.HCM và không có văn bản xác minh năng lực tài chính là không đúng quy định.
Do hạn chế về năng lực, nên nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết về việc hoàn thành 5,5 km còn lại của tiểu dự án đường vành đai phía đông sau khi được thanh toán 450 tỉ đồng, và hoàn thành công trình sau 4 tháng kể từ khi nhận được số tiền thanh toán 179 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong công tác lựa chọn nhà thầu, PMC không thông báo với UBND TP.HCM kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ định Công ty TNHH xây dựng How Yu Việt Nam làm nhà thầu xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Về công tác quản lý chất lượng công trình, dự án thi công không đúng thiết kế để xảy ra sự cố và hư hỏng một số hạng mục khi kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng. Về tổng thể, tiến độ dự án kéo dài 55 tháng, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan chưa xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư đối với những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra.
Do đó, trong hợp đồng BT dự án xây dựng đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ giữa UBND TP.HCM với PMC có điều khoản quy định mà nhà đầu tư được tính lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng đối với phần vốn chủ sở hữu. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, điều khoản này không có cơ sở. Ngoài ra, các phụ lục hợp đồng điều chỉnh về hình thức thanh toán, nợ trả chậm, cam kết thời gian hoàn thành cũng không nêu căn cứ pháp lý, cơ sở ký kết điều chỉnh.
Đáng chú ý, trước đó, ngày 12/2/2022, PMC đã từng có văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức thu phí ETC vì 8 làn thu phí ETC đã đáp ứng năng lực thông hành. Trong khi đó, thời gian thu phí dự kiến chỉ còn khoảng 4 năm (đến tháng 4-2026), việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn.
Bình Định chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 29 khu đất
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt 'thừa sức' làm chủ công nghệ