Vị Thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam: 26 năm giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm
Mãi sau này, những người học trò của vị thạc sĩ tài ba ấy vẫn xúc động, bồi hồi: "Thật tự hào chúng ta được làm học trò của một thầy giáo lớn, một nhân sĩ yêu nước tiêu biểu".
Đỗ ‘Tam nguyên’, giành học bổng du học Pháp và là thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, sinh năm 1913, có quê gốc Huế nhưng được sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, Kon Tum. Cha của ông là cụ Ngụy Như Bích, một chủ sự bưu điện kiêm thầy thuốc nổi tiếng, thường xuyên di chuyển cùng gia đình khắp Tây Nguyên và Lào. Ông đặt tên cho các con theo địa danh nơi họ được sinh ra, nên GS Ngụy Như Kon Tum có một người chị gái tên là Ngụy Như Ban Mê Thuột.
Khi đó, cư dân Kon Tum chủ yếu là đồng bào Ba Na. Trong suốt thời thơ ấu, Ngụy Như Kon Tum đã lớn lên giữa núi rừng và kết bạn với người Ba Na. Vì vậy, ông ít khi sử dụng tiếng Việt cho đến những năm đầu của bậc Thành Chung.
Lên 11 tuổi, Ngụy Như Kon Tum bắt đầu học lớp Nhì tại Trường Cao đẳng Tiểu học Huế, sau đó tiếp tục học tại Trường Thành Chung rồi đến Trường Quốc học. Nhờ vào sự thông minh và ham học, ông nhanh chóng trở thành học sinh xuất sắc của Trường Quốc học Huế, năm 1930, đậu bằng "đíp-lôm" (bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, tên gọi đầy đủ là Diplôme étude primaire supérieure indigène, dân chúng gọi tắt là Đíp-Lôm, sau này là Trung học đệ nhất cấp) và nhận được học bổng để học Ban tú tài bản xứ tại Trường Bưởi ở Hà Nội.
Năm 1932, ông đạt được thành tích xuất sắc trong học tập khi đồng thời nhận 3 bằng Tú tài: Tú tài Tây ban Toán, Tú tài Tây ban Triết, và Tú tài bản xứ. Đây là một sự kiện hiếm hoi tại trường Bưởi.
Chân dung GS Ngụy Như Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum |
Giáo sư Nguyễn Xiển (nguyên Chủ tịch UB Hành chính Bắc Bộ) kể lại: "Cấp học này chỉ tuyển số học trò đã đậu hạng xuất sắc của các Trường Quốc học Trung kỳ và các Trường Thành chung Bắc Kỳ. Anh Kon Tum đã đạt cả hai bằng nói trên (trước đó 3 năm mới chỉ có GS Tạ Quang Bửu cũng đạt cả 2 bằng này). Vì thế, Ngụy Như Kon Tum được cấp học bổng toàn phần sang Paris học đại học", theo Báo Công an nhân dân.
Với thành tích xuất sắc này, ông đã được trao học bổng để theo học tại Đại học Sorbonne, một trong những trường đại học danh tiếng và lâu đời nhất của Pháp.
3 năm học, 3 năm phấn đấu, Ngụy Như Kon Tum đã lấy bằng cử nhân khoa học, và 3 năm sau đó, ông tiếp tục đạt bằng Thạc sĩ Vật lý, trở thành thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam. Đầu năm 1939, ông bắt đầu làm luận án Tiến sĩ Vật lý dưới sự hướng dẫn của nhà bác học nổi tiếng người Pháp, GS Joliot-Curie. Đây cũng là thời kỳ ông bắt đầu tiếp xúc với các tư tưởng yêu nước và tiến bộ.
Giáo sư, NGND Ngụy Như Kon Tum từng tâm sự khi sinh thời: "Rất tiếc khi tôi đang làm luận án Tiến sĩ mới được một năm thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ. Phòng thí nghiệm của nhà bác học G.Quyri bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư G. Quyri khuyên: nếu muốn tiếp tục ở lại phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp", theo Báo Công an nhân dân.
Và thế là, tới năm 1939, khi chủ nghĩa phát xít phát động Thế chiến thứ hai, Ngụy Như Kon Tum, người đầu tiên của Việt Nam đạt bằng Thạc sĩ Vật lý khi mới 26 tuổi, rời khỏi Paris hoa lệ. Ông tạm biệt người thầy nổi tiếng, nhà bác học Giôliô Quyri, cùng phòng thí nghiệm của mình để trở về quê hương. Trên chuyến tàu thủy từ Pháp về Sài Gòn, các nhân viên người Việt vô cùng ngạc nhiên và hào hứng khi lần đầu tiên thấy một hành khách Việt Nam ngồi ở ghế hạng nhất, vị trí trước đây chỉ dành cho người Pháp hoặc người ngoại quốc. Hành khách đặc biệt đó chính là GS Ngụy Như Kon Tum, dù mới 26 tuổi nhưng đã có mái tóc bạc trắng…
Một nhân sĩ yêu nước, nhà nhà giáo lớn suốt đời vì lý tưởng của Đảng
Năm 1941, theo đề nghị của ông, chính quyền bảo hộ đã đồng ý chuyển ông về giảng dạy tại trường Bưởi. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, mở ra con đường để ông "đồng hành cùng dân tộc". Hưởng ứng chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh, ông cùng các giáo sư Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Trần Văn Khang bắt đầu dạy tất cả các môn học bằng tiếng Việt, khởi đầu cho việc sử dụng tiếng Việt trong ngành giáo dục.
Chân dung giáo sư năm 1940. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet |
Ông cũng tiên phong trong việc xóa bỏ ranh giới giữa nhà trường và xã hội, đưa học sinh vào cuộc sống thực tế bằng cách thành lập tổ chức du lịch Đoàn Rồng. Ông làm Trưởng đoàn, bao gồm nhiều đội, mỗi đội mang tên một danh nhân hoặc nhà yêu nước Việt Nam, và tổ chức các chuyến tham quan danh lam thắng cảnh như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, cố đô Hoa Lư, di tích Lam Sơn để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Năm 1942, cùng với bạn bè như Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Thúc Hào, ông cho ra đời tờ báo khoa học đầu tiên của Việt Nam bằng tiếng Việt do GS Nguyễn Xiển làm chủ bút. Ông phụ trách mục Khoa học viễn tưởng và thường xuyên viết bài về các chuyến bay tương lai của con người ra ngoài vũ trụ.
Ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, các trường học phải đóng cửa, ông được điều động làm Giám đốc Đông Dương học xá.
Có một sự kiện đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý tưởng của GS Ngụy Như Kon Tum. Đó là sau ngày đọc Bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, chỉ vài ngày sau, mặc dù đang rất bận rộn với nhiều công việc khi tình hình đất nước đang hết sức nguy cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm Khu học xá Đông Dương và nhà riêng của Giám đốc Ngụy Như Kon Tum.
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đứng cạnh Bác Hồ trong buổi Bác Hồ về nói chuyện với thầy và trò Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Báo Kon Tum |
Có một kỷ niệm khác mà mỗi lần nhắc đến, GS Ngụy Như Kon Tum luôn coi đó là minh chứng cho đức tính cao cả của Bác Hồ. Năm 1946, Bác Hồ mời GS lên để giao cho ông chức Bộ trưởng Giáo dục. Thật bất ngờ, GS Kon Tum từ chối nhận nhiệm vụ này với lý do: "Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ". Nghe xong, Bác Hồ đề nghị GS Kon Tum tiến cử người khác, và không ngần ngại, ông thưa ngay: "Người làm Bộ trưởng Giáo dục tốt nhất là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên".
Sau đó, Bác Hồ và Chính phủ đã bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng, và ông Huyên giữ chức vụ này suốt 30 năm (1946 - 1975). GS Kon Tum sau đó vui lòng nhận chức Giám đốc Trung học vụ (thuộc Bộ Giáo dục).
Đức tính cao cả của Bác Hồ đã thu hút và đoàn kết tầng lớp trí thức, khiến GS Ngụy Như Kon Tum rời Hà Nội, lặn lội lên núi rừng Việt Bắc cùng toàn dân chống Pháp. Hình ảnh vợ chồng GS Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Thị Đỗ, người từng là hoa hậu Hà Nội và con gái đầu của GS Nguyễn Đình Phong dạy văn học ở Trường Bưởi, đi bộ trèo đèo lội suối với bàn chân rớm máu đã làm nhiều trí thức Việt Nam xúc động. Câu chuyện về gia đình GS Ngụy Như Kon Tum và đội ngũ trí thức Việt Nam không quản ngại gian khổ hy sinh, lên núi rừng Việt Bắc để hòa mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp, vì đại nghĩa dân tộc, mãi mãi là một bài học lịch sử giá trị.
Đám cưới GS Ngụy Như Kon Tum với bà Nguyễn Thị Đỗ năm 1943. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet |
Ngày 19/12/1946, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, ông lên chiến khu Việt Bắc và được cử làm Phó Tổng Giám đốc Trung học vụ, đồng thời là Đổng lý Bộ Quốc gia giáo dục đến cuối năm 1950. Ông cho biết, trong thời gian này, ông đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ và sức lực vào việc xây dựng bậc trung học trên quy mô cả nước theo phương châm: Việt Nam, hiện đại. Ông cũng biên soạn bộ sách giáo khoa Vật lý cho các trường và đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành đại học. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, ông đã giúp Giáo sư Nguyễn Xiển mở lớp Toán học hàm thụ và lớp Toán học đại cương, đồng thời viết các cuốn Toán học đại cương và Cơ học thuần lý làm tài liệu giảng dạy đầu tiên cho lớp khoa học cơ bản.
Hiệu trưởng đầu tiên và lâu nhất của Trường Đại học Tổng hợp
Năm 1951, để chuẩn bị nhân lực cho tương lai khi đất nước được giải phóng, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được Nhà nước cử sang dạy tại khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, Trung Quốc. Tại đây, ông được giao trách nhiệm làm trưởng Sư phạm cao cấp và giảng dạy môn Vật lý tại trường Khoa học Cơ bản.
Năm 1954, ông trở về Hà Nội và tiếp tục giảng dạy môn Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Sau đó, vào năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên và giữ chức vụ này suốt 26 năm. Đến khi ông bước sang tuổi 70 vào năm 1982, Nhà nước đã cho phép ông nghỉ hưu.
GS Ngụy Như Kon Tum với ông Diệp Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp khi ấy) tại Bắc Thái. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet |
26 năm làm Hiệu trưởng của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một giai đoạn đầy sôi động, đặc biệt là trong 10 năm chống Mỹ cứu nước. Các trường Đại học như Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Nông nghiệp, Sư phạm, Kinh tế Quốc dân... đã trở thành trụ cột trong cuộc chiến chống Mỹ; trong hai lần sơ tán và phân tán lên vùng trung du, miền núi và vùng quê xa Thủ đô, sinh viên đã tích cực tham gia cùng toàn dân giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Mặc dù bận rộn với công việc quản lý một trường đại học lớn, nhưng Giáo sư không bao giờ bỏ qua công tác giảng dạy. Với sự uyên thâm về Vật lý và cách truyền đạt hấp dẫn, ông được các thế hệ sinh viên biết đến như một người thầy gương mẫu. Ông thường nhắc nhở các thế hệ khoa học trẻ rằng: “Cái quan trọng nhất đối với người làm cán bộ khoa học là đức tính trung thực. Cái gì biết bảo là biết. Còn cái gì không biết thì bảo là không biết. Như thế mới là biết”.
Với kiến thức uyên thâm về Vật lý, ông cùng với Giáo sư Nguyễn Xiển đã hợp tác xây dựng ngành Vật lý địa cầu của Việt Nam. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cũng là Trưởng đoàn các nhà khoa học Việt Nam tham dự lần đầu tiên Hội nghị Vật lý địa cầu quốc tế tại Moscow, Nga vào năm 1957.
Ngoài vai trò là nhà khoa học nổi tiếng và nhà quản lý tài năng, Giáo sư còn là một nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm. Ông đã được bầu làm đại biểu Quốc hội trong Khóa III và IV (tổng cộng 11 năm), là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong suốt 36 năm (từ tháng 10.1955 đến khi qua đời), là Ủy viên của Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh Thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam (nay là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới và Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp.
Tham gia Mặt trận trong nhiều năm, đặc biệt là từ năm 1982 khi nghỉ hưu, ông đã dành thời gian tham gia Hội đồng Tư vấn giáo dục do Giáo sư Nguyễn Lân làm Chủ nhiệm, với vai trò thường trực, duy trì mối quan hệ thường xuyên và gắn bó với các thành viên trong Hội đồng.
Dấu ấn của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một con người nhân hậu, khiêm tốn, sống một cuộc đời trong sạch với tấm lòng dành hết cho nước, cho dân.
Năm 1982, sau khi được vinh danh là Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã về hưu. Tám năm sau đó, vào ngày 20/11/1990, ông được Nhà nước tôn vinh thêm danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Vào năm 1991, GS Ngụy Như Kon Tum đã qua đời tại Hà Nội.
Ở Hà Nội, con đường mang tên GS Ngụy Như Kon Tum dài 1.100m, nối từ đường Khuất Duy Tiến đến đường Nhân Hòa, đi qua các đường Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng, nằm trong khu phố Thanh Xuân. Lễ gắn biển đường Ngụy Như Kon Tum được tổ chức bởi UBND TP Hà Nội vào đầu năm 2007.
Ngoài ra, tên của GS Ngụy Như Kon Tum cũng được đặt cho một hội trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Tỉnh Kon Tum cũng vinh danh GS bằng việc đặt tên ông cho một con đường, một trường học và một Quỹ khuyến học.
*Tham khảo Báo điện tử Đại biểu nhân dân, Báo Công an nhân dân, Cổng thông tin điện tử Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum