Vị Tiến sĩ người Việt 28 tuổi tham gia chế tạo chiếc máy vi tính thứ 3 thế giới và đầu tiên của châu Á, U80 'khai sinh' ra Bảo tàng Công nghệ thông tin tư nhân
Bén duyên với Công nghệ thông tin một cách tình cờ, nhưng sự đam mê, nhiệt huyết ông dành cho công nghệ luôn tăng dần theo năm tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công (sinh năm 1949) là một trong những nhân vật nổi bật, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của Công nghệ thông tin tại Việt Nam. Ông không chỉ trực tiếp tham gia chế tạo chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam – VT80, mà còn là người sáng lập Bảo tàng Công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên, nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử ngành công nghệ nước nhà.
“Cha đẻ” của chiếc máy vi tính đầu tiên
Đầu năm 1977, khi mới 28 tuổi, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công và các cộng sự tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam mang tên VT80 dưới sự hướng dẫn của chuyên gia người Pháp Alain Teissonnìere.
Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Pháp) và đầu tiên ở châu Á chế tạo được máy vi tính.
Nhớ lại giai đoạn này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công chia sẻ rằng khó khăn lớn nhất không phải về mặt kỹ thuật mà là nhận thức xã hội. Thời đó, rất ít người có thể hình dung về vai trò và tiềm năng của máy vi tính.
VT80 sử dụng chip Intel 8080A và được chế tạo bằng kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm chip. Máy bao gồm bảng CPU, nhiều bảng RAM/ROM, I/O, bảng điều khiển và vỏ máy với nguồn điện cơ bản. Dù chỉ chạy được một số chương trình cơ bản và không có phần mềm ứng dụng, nhưng đây là một thành tựu đột phá trong thời kỳ sơ khai của Công nghệ thông tin Việt Nam.
Mấy tháng sau khi chế tạo thành công VT80, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công được chọn sang Pháp để thực tập về vi xử lý. Trong thời gian vài tháng, ông tranh thủ tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng xây dựng dòng máy vi tính VT8X.
Chiếc máy tính thứ hai có ổ đĩa mềm, màn hình và bàn phím với bộ vi xử lý mạnh hơn.
Tuy nhiên, khi mọi công việc đang diễn ra thuận lợi thì đất nước lại lâm vào cảnh chiến tranh và gặp phải nhiều khó khăn, việc nghiên cứu và sản xuất bị dừng lại.
Bảo tàng Công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên
Năm 1978, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công có cơ hội làm việc trong một công ty điện lực uy tín tại Pháp. Nơi đây có phòng thí nghiệm hiện đại với những điều kiện vật chất tốt gấp nhiều lần so với trong nước. Trong thời gian ấy, thay vì mua những thiết bị, linh kiện nước ngoài mang về nước bán lại làm giàu, ông chỉ gom góp xách về một vali đầy tài liệu và linh kiện điện tử để góp phần vào việc nghiên cứu ứng dụng. Cũng nhờ đó, khi về hưu, ông sở hữu một bộ sưu tập khá đồ sộ.
Ngoài ra, do xuất thân trong một gia đình gia giáo truyền thống tại đất Thăng Long, vị Tiến sĩ yêu quý những gì thuộc về lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, suốt quá trình công tác trong và ngoài nước, ông có thói quen lưu giữ, sưu tầm những thiết bị, linh kiện điện tử.
“Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, khoa học công nghệ được áp dụng vào đời sống, bỏ thì tiếc lắm”, ông từng chia sẻ trên Báo Lao Động. Những năm 1980, căn phòng nhỏ của vợ chồng ông đã chật cứng linh kiện, thiết bị, nhưng đa phần đều còn sử dụng được, nên không bị vợ ông bắt... vứt.
Mãi đến khi căn nhà 4 tầng được xây dựng, nhận được sự ủng hộ của vợ, ông quyết định thiết kế căn phòng khách tầng 1 thành nơi trưng bày hiện vật. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội về ý tưởng của mình, ông nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng Tin học.
Ngày 27/1/2020, Bảo tàng Công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên chính thức ra mắt với sự ủng hộ của cộng đồng yêu công nghệ. Bảo tàng hiện lưu giữ gần 1.000 hiện vật, trong đó khoảng 300 hiện vật được trưng bày để khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành Công nghệ thông tin thế giới và Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công xem bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là "cầu nối" truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ. Ông luôn tin tưởng và kỳ vọng lớp trẻ sẽ tiếp tục đưa ngành Công nghệ thông tin Việt Nam sánh vai với thế giới, thực hiện ước mơ còn dang dở của thế hệ ông về công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong số những hiện vật tại đây, có những thiết bị, linh kiện được sử dụng để tạo nên những bước ngoặt lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều cuốn sách tin học, tài liệu giáo dục quý có tuổi đời khá lâu như Kỹ thuật vi xử lý xuất bản năm 1983, Tin học phổ thông xuất bản năm 1990...
Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ lịch sử đầy sống động của Việt Nam cũng như quốc tế. Những con người có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Phan Đình Diệu, Giáo sư Vũ Đình Cự... cũng được vinh danh tại bảo tàng để những người ghé thăm có thêm hiểu biết và không quên những người đặt nền móng với ngành Công nghệ thông tin.