Mỹ siết cửa ngõ cuối cùng, doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng: ‘Không thể bán gì cho Mỹ nữa’
Việc Washington công bố mức thuế quan cao hơn và chấm dứt chính sách miễn trừ thuế đối với các kiện hàng giá trị thấp từ Trung Quốc (chính sách de minimis) từ ngày 2/5 đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ tại Trung Quốc lâm vào cảnh lao đao.
Quinn Lai, người sáng lập DIY Watch Club – thương hiệu bán bộ lắp ráp đồng hồ thủ công – cảm thấy "cuộc chơi đã kết thúc" đối với doanh nghiệp của ông.
DIY Watch Club vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn 80% tổng lượng đơn hàng. Lai dự báo doanh thu từ Mỹ sẽ giảm 20-30% do chính sách mới. "Nếu tình hình không cải thiện, chúng tôi buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tệ hơn là đóng cửa", ông nói.

Ngay sau khi mức thuế mới có hiệu lực từ tháng 4, công ty đã nhanh chóng xoay trục, dồn lực quảng bá tại thị trường châu Âu thông qua mạng xã hội và các video mở hộp từ người có ảnh hưởng. Lai giải thích rằng so với Đông Nam Á, thương mại điện tử tại châu Âu hoạt động hiệu quả và tiềm năng hơn. Nhờ đó, thị phần tại châu Âu của DIY Watch Club đã tăng vọt từ 6% lên khoảng 30%, giúp công ty giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ – vốn vẫn chiếm khoảng một nửa doanh thu.

Không chỉ riêng DIY Watch Club, làn sóng siết chặt thương mại xuyên biên giới từ Washington đang giáng đòn mạnh lên toàn bộ chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng Trung Quốc.
Ngừng kinh doanh, đóng cửa nhà máy
Liu Miao – người đã kinh doanh quần áo trên Amazon trong 5 năm qua – là một trong những người đầu tiên buộc phải ngừng hoạt động. Sở hữu một nhà máy nhỏ tại Quảng Châu, Liu cho biết thuế quan mới khiến lợi nhuận trên mỗi bộ đồ tụt từ 1 USD xuống chỉ còn 50 cent – mức không đủ bù chi phí. "Giờ đây, bạn không thể bán gì cho Mỹ nữa, thuế quá cao", ông than thở.
Trong những năm qua, các nền tảng như Amazon, Shein và Temu đã giúp kết nối các nhà máy Trung Quốc – đặc biệt là tại Quảng Châu – trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu. Chính sách miễn thuế cho các kiện hàng dưới 800 USD từng là lợi thế cạnh tranh lớn, cho phép các nhà sản xuất duy trì giá thấp và tối ưu hóa lợi nhuận.
Tại nhiều khu phố công nghiệp ở Quảng Châu – thủ phủ may mặc của Trung Quốc – sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới từng tạo nên bức tranh tương phản: xe sang như Mercedes-Benz và BMW đỗ trước những xưởng may nơi công nhân chỉ nhận mức lương khoảng 60 USD mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, mô hình kinh doanh này đang chao đảo. Không giống các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện hay chip bán dẫn – vốn được Bắc Kinh đầu tư để tăng khả năng tự chủ địa chính trị – các nhà máy may mặc tại đây chủ yếu hoạt động theo đơn hàng nhỏ, biên lợi nhuận thấp, và hiện đang đối mặt nguy cơ sống còn.

Trong các cuộc phỏng vấn với 9 chủ nhà máy tại Quảng Châu, nhiều người cho biết họ đang tính đến phương án chuyển cơ sở sản xuất sang các tỉnh có chi phí thấp hơn như Hồ Bắc, hoặc thậm chí sang các quốc gia Đông Nam Á để tránh thuế quan. Một số đã phải ngừng dây chuyền, cắt giảm đơn hàng vì lượng đặt hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Một cột mốc tàn khốc
Ngày 2/5 – khi chính sách chấm dứt miễn trừ de minimis chính thức có hiệu lực – cũng là ngày Liu Bin đóng cửa xưởng may rộng lớn của mình tại Quảng Châu. Những chồng bao bì của Shein chất đầy trước cửa sổ nay không còn được vận chuyển đi đâu.

Nhà máy của ông chuyên sản xuất váy và áo cho các dịp đặc biệt – như tiệc đêm hay tiệc bãi biển – với đơn hàng từ Shein từng đạt 100.000 sản phẩm mỗi tháng. Nhưng đến tháng 4, đơn hàng giảm một nửa, và ông buộc phải chuyển dây chuyền sản xuất sang tỉnh Giang Tây do không còn khả năng chi trả mặt bằng tại Quảng Châu.
Liu cố gắng tìm đầu ra trên TikTok và Temu, nhưng lượng đơn hàng trên mọi nền tảng đều lao dốc. "Tất cả đều giảm, và giờ chúng tôi chỉ có thể chờ đợi và theo dõi", ông nói.
Trong bối cảnh không thị trường nào đủ lớn để thay thế Mỹ, như lời ông Kennedy Wong – Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Trung Quốc tại Hong Kong – nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc khắc nghiệt. Những “cửa ngõ” ra thế giới ngày càng thu hẹp, và bài toán sống còn của các nhà máy nhỏ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo Reuters, NYT
Trung Quốc hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cứu kinh tế trước bão thuế quan
Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc tăng nhiệt: Có hãng nhận 78 triệu đơn/ngày