Việt Nam có thể thành điểm đến của giới sưu tập quốc tế?

02-07-2023 11:13|Phạm Bích Ngọc

Nhiều nhà sưu tập quốc tế đã bắt đầu để ý đến các tác phẩm Việt Nam. Nghệ thuật nước nhà cũng đang dần ghi nhận nhiều gương mặt giám tuyển nghệ thuật sắc sảo và tài năng.

Nhiều nhà sưu tập quốc tế đã bắt đầu để ý đến các tác phẩm Việt Nam. Nghệ thuật nước nhà cũng đang dần ghi nhận nhiều gương mặt giám tuyển nghệ thuật sắc sảo và tài năng. Có thể thấy thị trường nghệ thuật tại Việt Nam bắt đầu có những cung bậc sôi nổi.

Sinh ra và lớn lên trong thập niên 80, 90, khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, một chuyên gia người Việt đầu tiên được nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s mời làm giám tuyển may mắn thuộc lứa thế hệ đầu tiên không còn phải chứng kiến hay trải qua chiến tranh. Thế nhưng, ở thời điểm đó, giáo dục nghệ thuật trong trường học ở Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa kể cơ hội được thưởng thức nghệ thuật một cách trọn vẹn ở các bảo tàng, hay phòng trưng bày nghệ thuật lại càng ít ỏi hơn. Cũng vì lẽ đó nên dù rất yêu thích nghệ thuật, nhưng giống như bạn bè đồng trang lứa, anh không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy.

Mãi đến sau này, khi công việc dần ổn định và cuộc sống trở nên thư thả hơn, Ace Lê mới thực sự “bén duyên” với lĩnh vực nghệ thuật.

“Trong suốt 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tập nghệ thuật, tôi nhận ra rằng, mỗi nhà sưu tập đều là một giám tuyển cho chính bộ sưu tập của mình. Đó cũng là lý do tôi lựa chọn tìm hiểu thêm về công việc này”, Giám tuyển Ace Lê chia sẻ. “Quyết định nhập học khóa Thạc sĩ về Bảo tàng học & Thực hành giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang, chính là bước đệm lớn giúp tôi theo đuổi công việc của một giám tuyển chuyên nghiệp”.

Theo Ace Lê, giám tuyển nghệ thuật chính là vị trí cầu nối giữa nghệ sỹ, tác phẩm và công chúng. Một giám tuyển có chuyên môn tốt phải đảm nhiệm được những kỹ năng đa ngành, từ nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, thiết kế và xây dựng nội dung triển lãm, đến quản lý dự án, quản lý ngân sách và quản lý cả các mối quan hệ với nghệ sỹ, nhà sưu tập, cũng như các bộ phận công chúng liên quan. Việc cân bằng giữa tất cả những vai trò ấy có lẽ chính là thách thức lớn nhất của vị trí giám tuyển.

“Hiện tại, ở Việt Nam chưa có những khóa học đào tạo chính thức cho ngành giám tuyển, thế nhưng, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, đôi khi bằng cấp chưa đủ để đánh giá chuyên môn của một giám tuyển”, Ace Lê nhấn mạnh. “Theo tôi, điều kiện cần tối thiểu của công việc này là khả năng nghiên cứu và định vị tác phẩm, tác giả dọc theo chuỗi lịch sử nghệ thuật, và diễn giải được cho công chúng. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều người tự tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật có quan điểm sắc bén đã thành công rẽ ngang sang làm công việc giám tuyển. Được học hành bài bản là một lợi thế, nhưng đó không phải tất cả”.

Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, để phát triển lành mạnh, sôi động và bền vững, thị trường nghệ thuật Việt Nam cần phải được xây trên một cơ sở hạ tầng vững chắc. Cơ sở hạ tầng đó trước hết bao gồm khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia. Cùng với đó, hệ thống giáo dục và hệ thống bảo tàng cũng cần phải được phát triển tương xứng, nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Dựa trên nền tảng đó, kiến trúc thượng tầng của thị trường nghệ thuật cũng sẽ được củng cố song hành, bao gồm bên mua (nhà sưu tập, quỹ đầu tư), bên bán (nghệ sỹ), bên môi giới (nhà đấu giá, phòng tranh, nhà môi giới độc lập) và các dịch vụ liên quan trong hệ sinh thái (nghiên cứu, phê bình, giám tuyển, hậu cần, bảo hiểm...).

Tuy nhiên, Ace Lê cũng chỉ ra rằng hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn tương đối yếu, trong đó bao gồm khung pháp lý về nghệ thuật, đặc biệt là luật bản quyền, gián tiếp khiến cho vấn nạn tranh giả, tranh chép vẫn còn tồn tại. Theo anh, dù có tiềm năng và lợi thế về bề dày văn hóa so với các nước Đông Nam Á khác, nhưng đây chính là nút thắt lớn, là tác nhân số một ngáng trở (ngăn cản) đà phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam.

“Quá trình hội nhập đang mở ra một thế giới phẳng hơn và hệ quy chiếu khu vực được đặt lên cán cân rõ ràng hơn. Thế nhưng, đây không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức đối với thị trường nghệ thuật tại Việt Nam, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng còn nhiều vấn đề”, giám tuyển Ace Lê chỉ rõ. “Đơn cử như mảng đấu giá nghệ thuật. Vào khoảng 10 năm trở lại đây, tại khu vực Đông Nam Á, trong khi một số nước đang phát triển như Indonesia, Philippines, Malaysia hay Thái Lan đều đã có những nhà đấu giá nội địa hoạt động sôi nổi và vươn ra khu vực, những nỗ lực mở nhà đấu giá nội địa ở Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu”.

Trong một thị trường nghệ thuật đang biến đổi không ngừng như tại Việt Nam, sự tham gia chủ động của tất cả chủ thể sẽ góp phần tạo dựng nên một thị trường năng động, rộng mở và dễ tiếp cận hơn. Thế nhưng, để thực hiện được mục tiêu đó, mỗi một nhóm đối tượng khi tham gia đều cần có những cách tiếp cận phù hợp riêng biệt.

“Đối với bên mua, dù với mục đích sưu tập hay đầu tư, khi tham gia vào thị trường nghệ thuật, điều quan trọng nhất là hiểu được cách vận hành của nó cũng như mối quan hệ giữa giá trị và giá cả, cùng những nhân tố ảnh hưởng tới phương trình đó như lý lịch tác giả, tầm quan trọng của tác phẩm trong lịch sử mỹ thuật, lai lịch tác phẩm, hiện trạng và cách bảo quản, chiến lược quảng bá bộ sưu tập…”, Giám tuyển Ace Lê nhận định. Anh nhấn mạnh thêm rằng việc nghiên cứu kỹ càng và chuẩn bị một tâm thế sáng suốt, lạc quan, mang tính xây dựng, sẽ giúp cho những người tham gia “sưu tập có trách nhiệm”.

Bên cạnh đó, với các nghệ sỹ, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ, việc đầu tiên mà họ cần làm là tìm hiểu rõ cách vận hành của thị trường. Theo giám tuyển Ace Lê, đây là một nhiệm vụ tiên quyết, sẽ giúp các nghệ sỹ trẻ “tự bảo vệ mình” để tránh rơi vào thế bị động trong dòng xoáy của thị trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ thị trường cũng sẽ giúp họ xác định rõ hơn hướng phát triển của bản thân, rằng họ cần phải hợp tác, tiếp xúc với những nhân tố nào.

Giám tuyển Ace Lê cũng chia sẻ quan điểm rằng để phát triển và quảng bá nghệ thuật, nhất là nghệ thuật công cộng, theo hướng từ trên xuống, trước tiên phải có sự tham gia của Chính phủ và các cơ quan quản lý cùng nguồn ngân sách cân xứng. “Ở các nước phát triển, mỗi dự án xây dựng công cộng, dù là trung tâm thương mại, bệnh viện hay quảng trường, đều có một khoản ngân sách cố định từ 0.5-1% trên tổng ngân sách dành cho việc thiết kế, sản xuất các tác phẩm nghệ thuật công cộng, cũng như hoạt động quảng bá, vận hành chúng thông qua các chương trình giáo dục, tương tác với cộng đồng”, anh Ace Lê chỉ rõ.

“Theo hướng từ dưới lên, mỗi một cá nhân nên tập cho mình thói quen chủ động đi xem triển lãm nghệ thuật nhiều hơn, như vậy dần dần chúng ta sẽ tự phát triển cho mình một gu thẩm mỹ riêng. Hãy thử tưởng tượng, nếu mỗi năm, các gia đình trung lưu lựa chọn mua và treo lên tường nhà 1 bức tranh thật, thị trường sẽ tiếp nhận thêm một lượng thanh khoản lớn đến mức nào. Vậy nên, có thể nói rằng bất cứ ai trong chúng ta đều có thể tự tạo cơ hội cho chính mình tiếp xúc gần hơn với nghệ thuật”, Giám tuyển Ace Lê chia sẻ.

Có thể thấy, công cuộc xây dựng và phát triển một thị trường nghệ thuật đa chủ thể, đến gần hơn với công chúng, với mọi tầng lớp nhân dân không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà cần có sự tham gia của tất cả các bên.

Ace Lê là một giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. Anh từng tốt nghiệp bậc Thạc sĩ, ngành Nghiên cứu Bảo tàng và Giám tuyển Nghệ thuật (Museum Studies and Curatorial Practices) tại Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore). Anh là Giám đốc Điều hành đầu tiên của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam. Năm 2022, Ace Lê là giám tuyển khách mời cho triển lãm tiên phong “Hồn Xưa Bến Lạ” của Sotheby’s tại Việt Nam. Anh hiện cũng là thành viên Ban Cố vấn của Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (VCAD).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Một ứng dụng dự báo thời tiết chứa đường lưỡi bò khiến người dùng Việt Nam phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/viet-nam-co-the-thanh-diem-den-cua-gioi-suu-tap-quoc-te-post135917.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam có thể thành điểm đến của giới sưu tập quốc tế?
POWERED BY ONECMS & INTECH