Việt Nam đang vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin có khả năng thay thế Trung Quốc trong tương lai.
Báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea) công bố ngày 29/5 cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một thị trường lớn cho các ông lớn ngành bán dẫn của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix, … trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang.
“Việt Nam đang vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin có khả năng thay thế Trung Quốc trong tương lai.
Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng đang là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn bậc nhất thế giới. Chất bán dẫn của Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hóa trung gian tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa công nghệ thông tin thành phẩm", báo cáo có đoạn.
Ngân hàng Hàn Quốc nhận định nguồn lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp cùng với khả năng tiếp cận cao với thị trường Trung Quốc đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm cả những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Trong đó có Samsung Electronics đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm 2022, trong khi Google cũng đang xem xét việc chuyển địa điểm lắp ráp sang Việt Nam.
Ngân hàng Hàn Quốc cũng đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, đạt mức tăng trưởng 8% vào năm 2022. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc vào năm ngoái.
Ngoài ra, Ngân hàng Hàn Quốc nhận định thị trường chất bán dẫn của nước này sẽ chịu tác động bởi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn bậc nhất trong nhu cầu chất bán dẫn nội địa. Do đó, Hàn Quốc cần phải đưa ra các phản ứng chiến lược để giảm thiểu tác động tiêu cực này, trong đó có tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chip không phải bộ nhớ và đa dạng hóa các nguồn nhu cầu.
Hạn chế của Việt Nam
Mới đây, TS. Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia Viện ISEAS – Yusof Ishak của Singapore, đã có bài viết đăng trên Fulcrum chia sẻ về định hướng phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Ông cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp nước ngoài muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Thế nhưng, TS. Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh những điểm hạn chế trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Thứ nhất, hầu hết chip xuất khẩu của Việt Nam đều đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí đến cả chip Made in Việt Nam đầu tiên của FPT Semiconductor cũng được sản xuất tại Hàn Quốc.
Thứ hai, dù có nguồn nhân tài công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin dồi dào. Nhưng hệ thống giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực công nghệ nhìn chung vẫn còn chậm trong việc tạo ra nguồn nhân lực cần thiết.
Lấy ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội - trung tâm đào tạo kỹ sư bán dẫn lớn nhất của Việt Nam, nhưng chỉ đào tạo được khoảng 500 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành mỗi năm. Tốc độ này rất khó để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược quốc gia toàn diện cho ngành kinh doanh chất bán dẫn, khiến các doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn với các công ty toàn cầu.
Do đó, Việt Nam cần tăng cường hệ thống giáo dục và đào tạo, tăng cường đổi mới trong nước cũng như xây dựng chiến lược quốc gia rõ ràng để trở thành một thị trường chip quan trọng trên toàn cầu.