Việt Nam ghi nhận gần 5.000 ca mắc sởi từ đầu năm 2024, cao hơn 111 lần so với năm 2023
WHO đã cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, thế giới đang chứng kiến một làn sóng tăng cao các ca mắc bệnh sởi, với 10,3 triệu ca mắc được ghi nhận trên toàn cầu, tăng 20% so với năm 2022. Trong số này, có hơn 107.000 người đã tử vong, đáng chú ý là phần lớn nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, con số này tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023, phản ánh một thực tế đáng báo động về tình hình sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới. Sự gia tăng này được ghi nhận trong 5 năm qua, với dịch sởi đã bùng phát tại 103 quốc gia. Nguyên nhân chính được xác định là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi ở mức thấp, chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, trong khi tỷ lệ cần đạt để ngăn ngừa dịch bệnh là 95%. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêm chủng trên toàn cầu, khiến tỷ lệ bao phủ vaccine không đạt yêu cầu để kiềm chế sự lây lan của bệnh sởi.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/11, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tình hình không kém phần nghiêm trọng. Kể từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20.000 trường hợp nghi mắc sởi và gần 5.000 ca dương tính với sởi được xác nhận. Có 5 trường hợp đã tử vong do bệnh sởi, trong đó TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi tỉnh ghi nhận 1 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi mắc sởi tăng hơn 52,9 lần và số ca dương tính tăng hơn 111 lần. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp có số nghi sởi và sởi dương tính cao.
Đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ ngày 1/9 đến ngày 19/11 năm nay, đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Số ca mắc sởi tăng đột biến trong tháng 11 với 64 ca, trong khi tháng 9 có 41 ca và tháng 10 có 90 ca. Trẻ dưới 9 tháng tuổi, những đứa trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi, chiếm hơn 31% tổng số ca mắc, và 40% trẻ trên 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng.
Số ca mắc sởi cũng tăng vọt tại các tỉnh như Thanh Hóa và Đồng Nai, với tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 657 ca mắc và phát ban nghi sởi, và tỉnh Đồng Nai từ 20 ca trong tháng 9 tăng lên 102 ca trong tháng 11. Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là chu kỳ dịch và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bộ Y tế đã phân bổ 1.134.200 liều vaccine MR do WHO viện trợ cho 30 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng. Tuy nhiên, có 4 tỉnh thành (Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận) vẫn còn thiếu vaccine. Bộ Y tế đã yêu cầu WHO hỗ trợ thêm 60.000 liều vaccine để đảm bảo đủ nguồn cung cho các địa phương này.
Bộ Y tế Việt Nam đang kêu gọi các địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi một cách hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện. Việc tiếp tục rà soát và tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đủ các mũi vaccine là điều cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa dịch sởi lan rộng hơn nữa.
Châu Âu bị bủa vây bởi dịch bệnh sởi
Người Việt Nam dùng muối i-ốt chỉ 27%, thấp hơn 3 lần khuyến cáo của WHO