Việt Nam được đánh giá là điểm cân bằng tinh tế, thuộc top 5 nước hưởng lợi từ “sự tái sắp xếp” của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với Ba Lan, Mexico, Ma-rốc và Indonesia, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi gộp chung, nhóm 5 quốc gia này có tổng quy mô kinh tế đạt 4 nghìn tỷ USD vào năm 2022 - nhiều hơn Ấn Độ, gần bằng Đức hoặc Nhật Bản.
Cùng với Ba Lan, Mexico, Ma-rốc và Indonesia, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu |
Ngoài ra, 5 quốc gia - đóng vai trò nền tảng trung gian quan trọng hiện tại - cũng đang cho thấy hiệu quả kinh tế vượt kỳ vọng khi đại diện cho 4% GDP toàn cầu, thu hút hơn 10% (khoảng 550 tỷ USD) trong tổng số các dự án mới đầu tư vào lĩnh vực xanh từ năm 2017.
Theo mục tiêu đã đề ra, các quốc gia đều muốn nắm được cơ hội kinh tế, bằng cách tự định vị là mối liên kết mới giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc châu Âu, Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác.
Sau khi xem xét dữ liệu từ hơn 25.000 công ty, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhận thấy chuỗi cung ứng đang mở rộng khi các nước khác, nhất là ở châu Á, đã trở thành điểm dừng bổ sung trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các công ty muốn mở rộng chuỗi cung ứng thường dịch chuyển hoạt động sản xuất tới các quốc gia có nền kinh tế hội nhập cao với Trung Quốc như Việt Nam, nơi đầu tư của các nhà sản xuất Trung Quốc tăng ấn tượng trong những năm qua.
Việt Nam được gọi là “điểm cân bằng tinh tế”
Có thể nói, Việt Nam được gọi là “điểm cân bằng tinh tế”. Kể từ những năm 1990, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Một tổ hợp nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Foxconn - thực hiện việc sản xuất Macbook cho Apple - đang được mở rộng ở những khu đất từng là cánh đồng lúa ở miền Bắc Việt Nam. Hay GoerTek - một công ty Trung Quốc sản xuất AirPods cũng đang xây dựng nhà máy ngay bên kia sông Cầu.
Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới |
Việt Nam có chi phí lao động phải chăng, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và danh sách các Hiệp định Thương mại ngày càng mở rộng. Những điều này đã thu hút được nhiều nhà cung cấp của Apple, bao gồm Pegatron Corp và Luxshare Precision Industry Co.
Cách đây cả một thập kỷ, xu hướng các nhà sản xuất điện tử lớn dịch chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang Việt Nam đã xuất hiện, tuy nhiên nó đã tăng tốc trong những năm qua.
Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất, từ máy móc tới nguyên liệu may mặc cho các nhà sản xuất Việt Nam, trong khi Mỹ là điểm dừng chân của 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vào tháng 9/2023, Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ với Mỹ và Mỹ cũng công bố sự hợp tác toàn diện để giúp Việt Nam có thể phát triển ngành bán dẫn vốn còn non trẻ. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do kéo dài 3 năm do Trung Quốc khởi xướng.
Vào năm 2022, ngành công nghiệp điện tử đã đóng góp tới 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp đôi so với năm 2012. Lĩnh vực này đã tuyển dụng 1,3 triệu lao động tính đến tháng 6/2022. Các quan chức Việt Nam tự tin rằng con số này sẽ còn cao hơn nữa.
Với những lợi thế này, thật đúng khi Việt Nam được đánh giá là điểm cân bằng tinh tế, thuộc top 5 nước hưởng lợi từ sự tái sắp xếp của chuỗi cung ứng toàn cầu.
>> Mỹ mở cuộc điều trần cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’