Việt Nam sắp có khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với người dân Bình Dương trong thời gian dài.
Theo thông tin từ Báo Nhân dân, Ngày 19/5, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ khởi công Dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Dự án có quy mô 3,6ha, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Nhà thờ và Nhà lễ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tầng hầm, nhà điều hành quản lý, khu đón tiếp khách... Trong đó, Nhà lễ Cụ Nguyễn Sinh Sắc được xem là công trình trung tâm, có thiết kế mang đậm phong cách kiến trúc dân gian Nam Bộ với mái ngói đỏ hai tầng, sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ, ngói, gạch.

Không gian Nhà lễ được chia thành hai khu trưng bày chính, kết nối bằng hồ sen - loài hoa gắn liền với quê hương và biểu tượng tinh thần của Cụ Phó bảng. Đây sẽ là nơi tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Cụ thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật và công nghệ trưng bày hiện đại.
Tầng hầm của công trình được bố trí khu trưng bày kỹ thuật số, tranh hội họa… Không gian này ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến như mã QR, thiết bị cảm ứng, hiệu ứng ánh sáng sinh động nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Một công trình đáng chú ý khác trong dự án là Nhà truyền thống phục vụ du lịch (cao 3 tầng), được xây dựng trên trục đường dẫn vào chùa Hội Khánh. Đây sẽ là không gian trưng bày văn hóa kết hợp với các dịch vụ tiện ích hỗ trợ du lịch, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực.
Điểm nhấn của công trình là quảng trường phía trước Khu lưu niệm được thiết kế lấy cảm hứng từ họa tiết trống đồng - biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Không gian này sẽ phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa.

Một hạng mục đặc biệt trong dự án là việc bảo tồn công trình Nhà Pháp y - một kiến trúc có lịch sử hơn 100 năm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên diện tích khoảng 300m2. Việc giữ lại công trình này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn góp phần kết nối giữa các giai đoạn phát triển, từ quá khứ đến hiện tại.
Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được định hướng trở thành một “địa chỉ đỏ” tiêu biểu, mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa của tỉnh Bình Dương. Đây sẽ là điểm tham quan, sinh hoạt văn hóa - tâm linh giàu giá trị cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, công trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng không gian đô thị, góp phần xây dựng thành phố phát triển toàn diện trong giai đoạn mới.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là một sĩ phu yêu nước, Cụ đã dành trọn cuộc đời để phục vụ đất nước và nhân dân. Không chỉ là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ còn có ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành nhân cách, đạo đức và tinh thần yêu nước ở các con, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thấu hiểu nổi thống khổ của nhân dân khi nước mất nhà tan, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rời bỏ chốn quan trường, đi khắp miền Nam để truyền bá tinh thần yêu nước và ý chí độc lập dân tộc thông qua việc dạy học, bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với người dân Bình Dương trong thời gian dài.
Từ năm 1923 - 1926, trong hành trình về phương Nam, Cụ từng sinh sống tại chùa Hội Khánh (nay thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Cụ ở đây hơn ba năm, cùng các nhà nho, nhà sư yêu nước tại địa phương thành lập Hội Danh dự yêu nước. Qua những hoạt động âm thầm nhưng bền bỉ, Cụ đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần dân tộc đến với người dân địa phương.
Hiện nay, tại chùa Hội Khánh vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh và kỷ niệm về Cụ Phó bảng. Hằng năm, vào ngày 27/10 Âm lịch, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh Bình Dương phối hợp với chùa Hội Khánh long trọng tổ chức Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thể hiện lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với một bậc chí sĩ yêu nước.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nằm ở vị trí chiến lược ngay cửa ngõ phía Bắc TP.HCM, Bình Dương sở hữu hệ thống giao thông phát triển với nhiều tuyến đường trọng yếu như đường sắt Bắc – Nam, quốc lộ 1K, quốc lộ 13 và xa lộ Hà Nội.
Theo thống kê năm 2023, Bình Dương là tỉnh có tu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/tháng – gấp 1,7 lần mức thu nhập bình quân toàn quốc. Tính đến tháng 1/2024, Bình Dương cũng là một trong những địa phương có số lượng thành phố trực thuộc nhiều nhất với 5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.
Với việc xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bình Dương không chỉ khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm và tâm huyết trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử dân tộc.