NSƯT từng hơn 40 lần vào vai Bác Hồ, giống đến mức khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp bật khóc, được cả Guinness vinh danh
Không chỉ gói gọn trên sân khấu hay điện ảnh, nghệ sĩ này còn hóa thân thành Bác Hồ trong hàng trăm lễ hội và sự kiện lớn nhỏ trên cả nước.
NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1959, là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam. Trong hơn 30 năm cống hiến, ông đã hơn 40 lần vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, truyền hình cho đến các chương trình lễ hội lớn. Với tài năng và lòng tận tụy, NSƯT Tiến Hợi được đánh giá là người thể hiện hình tượng Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
Là người con của xứ Nghệ, sinh ra tại vùng đất Vinh - chỉ cách quê hương của Bác Hồ khoảng 20 km, NSƯT Tiến Hợi có lợi thế khi dễ dàng tiếp cận, học hỏi và thể hiện ngữ điệu, giọng nói đặc trưng của Bác. Không dừng lại ở yếu tố ngoại hình hay giọng nói, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, luyện tập để tái hiện một cách chân thực và sâu sắc nhất thần thái của Bác – từ cử chỉ, nét mặt cho đến phong thái. Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã giúp ông chạm tới trái tim khán giả, khiến họ cảm nhận được sự gần gũi, thân thương qua mỗi vai diễn.

Từ vai Bác Hồ đầu tiên khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp rơi nước mắt
Năm 1987, khi còn là nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn, Quân khu 2, nghệ sĩ Tiến Hợi – lúc ấy mới 28 tuổi được giao đảm nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Đêm trắng (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang). Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, song với ngoại hình có nhiều nét tương đồng và khả năng hóa thân xuất sắc sau khi được hóa trang, ông đã thể hiện vai diễn một cách đầy ấn tượng.
Đêm trắng là một tác phẩm phản ánh chủ đề chống tiêu cực, lên án hành vi biển thủ công quỹ với nhiều phân đoạn gai góc, sắc sảo do nhà văn Lưu Quang Hà chấp bút. Để hoàn thành vai diễn, NSƯT Tiến Hợi đã dày công nghiên cứu tư liệu, xem nhiều bộ phim về Bác Hồ và học theo phong cách làm việc, dáng đi, giọng nói, thậm chí là những biểu cảm nhỏ nhất của Người.
Trong buổi duyệt vở đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có sự tham dự của đông đảo khách mời, trong đó đặc biệt là hai nhân vật từng gắn bó mật thiết với Bác Hồ là ông Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau buổi diễn, cả hai đều xúc động bày tỏ sự ngợi khen dành cho nam nghệ sĩ trẻ.

NSƯT Tiến Hợi từng hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch sân khấu và bộ phim điện ảnh
Theo lời kể của NSƯT Tiến Hợi lúc sinh thời, đêm hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bước lên sân khấu bắt tay ông, vừa cười vừa không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Đại tướng chỉ nói vỏn vẹn vài từ: "Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều". Còn ông Vũ Kỳ thì khen ngợi cách ông thể hiện được rõ nét tính cách của Bác Hồ mà ông từng chứng kiến, đặc biệt là thần thái của Bác.
Thành công vang dội của Đêm trắng được minh chứng qua hơn 300 buổi công diễn trên khắp cả nước, mỗi nơi đều nhận được sự đón nhận và ngợi khen nồng nhiệt từ khán giả. Vở kịch đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ của sân khấu kịch Việt Nam thời kỳ ấy, đồng thời mở ra hành trình đặc biệt của NSƯT Tiến Hợi trong vai trò người thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều sân khấu, màn ảnh và chương trình nghệ thuật.
Đến kỷ lục được Guinness vinh danh
Gia nhập Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1988, NSƯT Tiến Hợi tiếp tục khẳng định vị trí với nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở kịch như Xin lĩnh án tử hình, Vòng đời, Những người con Hà Nội... Dù đảm nhiệm nhiều loại vai khác nhau, ông từng chia sẻ rằng mình thấy phù hợp nhất với các vai chính kịch – đặc biệt là hình tượng Bác Hồ, xuất hiện trong nhiều tác phẩm qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Năm 1989, ông lần đầu bước lên màn ảnh rộng với vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Khi ấy, dù mới có hơn hai năm kinh nghiệm sân khấu, NSƯT Tiến Hợi đã dành tâm huyết tìm hiểu kỹ lưỡng từng chi tiết về phong cách sống, ngôn ngữ, trang phục và đặc biệt là ánh mắt, điệu bộ của Bác Hồ giai đoạn năm 1911. Ông còn đích thân đến Huế để nghiên cứu cuộc sống thanh niên thời kỳ ấy, phục vụ cho vai diễn.

NSƯT Tiến Hợi luôn coi việc thể hiện hình tượng Bác Hồ là một sứ mệnh cao quý
Đến năm 1996, ông tiếp tục ghi dấu với vai Bác Hồ trong phim Hà Nội mùa Đông năm 46. Nhờ sự tìm hiểu kỹ lưỡng về bối cảnh lịch sử và hành trình hoạt động của Bác từ Hà Nội đến Việt Bắc, NSƯT Tiến Hợi đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ năm 1946 đầy xúc động. Bộ phim được công chiếu năm 1997 và giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII, tạo tiếng vang lớn trong lòng công chúng.
Không chỉ gói gọn trong sân khấu hay điện ảnh, NSƯT Tiến Hợi còn hóa thân thành Bác Hồ trong hàng trăm lễ hội và sự kiện lớn nhỏ trên cả nước. Đồng hành cùng ông trong hành trình này là người bạn đời – nghệ sĩ Vương Đạm Thủy, người đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong khâu hóa trang. Cặp nghệ sĩ này từng học hỏi nhiều kỹ thuật từ nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên để nâng cao trình độ, mang đến hình ảnh Bác Hồ sống động, chân thực nhất trên sân khấu.
Đối với NSƯT Tiến Hợi, việc hóa thân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh không đơn thuần là một vai diễn, mà là một “sứ mệnh cao quý”. Ông không chỉ chú trọng đến ngoại hình mà đặc biệt tập trung khắc họa nội tâm, tinh thần và cảm xúc của Bác trong từng khoảnh khắc. Chính tâm huyết ấy đã đưa ông trở thành nghệ sĩ Việt Nam thể hiện hình tượng Bác Hồ nhiều nhất trên nhiều loại hình nghệ thuật – một thành tích được xác lập trong Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2013.

NSƯT Tiến Hợi và vợ là nghệ sĩ hóa trang
Trong suốt sự nghiệp, NSƯT Tiến Hợi đã nhận nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 với vai Bác Hồ trong vở Xin lĩnh án tử hình và Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 2018 với vai ông Sinh trong vở Vùng lạnh. Những đóng góp của ông đã góp phần khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sống động, truyền cảm, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng nhiều thế hệ.
Ngày 10/2/2022, NSƯT Tiến Hợi đột ngột qua đời ở tuổi 63, chỉ sau 6 ngày phát hiện mắc ung thư phổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn với gia đình, đồng nghiệp và khán giả cả nước.
>> ‘Kỳ đài lịch sử’ của Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, là nơi lưu giữ di hài của Bác Hồ