Xã hội

Nhà lưu niệm vị Đại tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia trên thế giới tại 'Quê hương thứ hai'

Vĩ Hạ 18/09/2024 16:45

Đây là nơi khi nghỉ hưu, Đại tướng thường dừng chân, nghỉ ngơi trong các cuộc hành trình về với đồng bào Việt Bắc.

Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) là một hồ nhân tạo có diện tích 2.500ha, được tạo nên nhờ công sức của những chàng trai, cô gái đến từ nhiều tỉnh thành đổ mồ hôi, công sức đắp đập, ngăn dòng sông Công. Với khối lượng xây đắp lớn, kênh dẫn dài và chủ yếu là lao động thủ công, công trình này kéo dài từ năm 1973 đến năm 1982 mới cơ bản hoàn thành.

Điều kỳ diệu đã xảy ra khi nước dâng lên, lộ ra 89 hòn đảo, vốn là những đồi núi cao trước đây. Biệt danh “Hạ Long trên cạn” cũng từ đó mà ra đời. Các đảo mang những cái tên như đảo Cái, đảo Cò, đảo Hoa, Kim Bảng… cũng lần lượt xuất hiện. Có hồ, có vùng tiểu khí hậu, cây cối tốt tươi, cảnh sắc thơ mộng, chè ở đây trở nên ngon hơn và danh tiếng xứ Thái Nguyên càng vang xa.

Phong cảnh hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Phong cảnh hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Người nhà và con cháu đồng đội đề nghị với tỉnh Bắc Thái (cũ) giao quả đồi Kim Bảng, trồng rừng và xây trên đó một căn nhà lưu niệm để mỗi lần về “Quê hương thứ hai” (Đại tướng và các con thường nói Thái Nguyên là quê hương thứ hai của chúng tôi), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đồng bào thăm nom gần gũi, dễ dàng...

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Kim Bảng, hồ Núi Cốc (xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên). Ảnh: Báo Thái Nguyên

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Kim Bảng, hồ Núi Cốc (xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên). Ảnh: Báo Thái Nguyên

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1996 với hai tầng, mái ngói, mang kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được dáng dấp của nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng ở Việt Bắc. Năm 1999, công trình hoàn thành, Đại tướng cùng gia đình đã về đây sinh sống.

Sau khi Đại tướng qua đời vào năm 2014, gia đình đã đưa chân nhang từ Hà Nội về ngôi nhà này để thắp hương tưởng nhớ. Năm 2020, nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Đại tướng, một bức tượng bằng đồng của ông cũng được đặt tại đây.

Ngôi nhà đơn sơ nhưng nằm ở vị trí đắc địa, nhìn thẳng ra phía Nam hồ Núi Cốc, được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và những cây bóng mát. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Ngôi nhà đơn sơ nhưng nằm ở vị trí đắc địa, nhìn thẳng ra phía Nam hồ Núi Cốc, được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và những cây bóng mát. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Đến đây, mọi người có thể cảm nhận những dấu ấn in đậm hình bóng Đại tướng. Điển hình là cây đa tỏa bóng mát trong khuôn viên, được Đại tướng cho trồng vào năm 1998.

Cây đa dường như đã trở thành biểu tượng đặc biệt trong cuộc đời Đại tướng. Vào trưa ngày 15/5/1945, tại cây đa đình Làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh sáp nhập các lực lượng vũ trang để thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Chiều ngày 16/8/1945, ông đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc dưới tán cây đa Tân Trào (Sơn Dương). Tối ngày 17/8/1945, Đại tướng đã hội quân dưới gốc cây đa Chùa Đán (Thái Nguyên)... Và tại đảo nhỏ Kim Bảng, cây đa lại gợi nhớ những năm tháng hào hùng đó.

Trong nhà trưng bày nhiều tranh ảnh, đồ lưu niệm về Đại tướng. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Trong nhà trưng bày nhiều tranh ảnh, đồ lưu niệm về Đại tướng. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Trong phòng khách của ngôi nhà, bức ảnh Đại tướng với Bác Hồ năm 1950 ở Thái Nguyên trước giờ xuất phát đi Chiến dịch Biên giới được treo trang trọng. Trong ảnh, Bác nằm nghỉ trên tấm bạt bên gốc đa chợ Đu (Phú Lương, Thái Nguyên), ngồi bên cạnh là Đại tướng.

Phòng khách cũng trưng bày nhiều bức ảnh khác, được các phóng viên và nhà báo từng gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng trao tặng cho gia đình. Ngoài ra, gia đình còn giữ gìn và bảo quản những kỷ vật gắn bó với Đại tướng như chiếc giường ngủ bằng gỗ đơn sơ, bộ bàn ghế làm việc bằng gỗ thông, bộ bàn ghế mây dùng để uống nước, bộ bàn ăn mà gia đình Đại tướng từng quây quần bên nhau...

Hiện tại, ngôi nhà lưu niệm vẫn thuộc sở hữu của gia đình Đại tướng, chưa được mở cửa rộng rãi đón khách tham quan. Những đoàn khách đến thăm thường phải thông qua sự liên hệ và nhất trí của gia đình.

Hằng năm, vào các ngày lễ, chính quyền địa phương đều tổ chức đoàn đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là một chỉ huy quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Ông là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) đánh đuổi thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt-Trung (năm 1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.

Đại tướng cũng là người duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc hùng mạnh.

>> Người phụ nữ hơn 70 năm là hậu phương, âm thầm bên Đại tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia trên thế giới

Ngôi làng duy nhất Việt Nam được ví như ‘Trung tâm Thủ đô lâm thời', không có liệt sĩ dù hàng trăm người ra trận, từng là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

7 năm băng sông, vượt núi, Việt Nam xây dựng thành công ‘dòng sông năng lượng’ 5.000km chảy dọc Trường Sơn, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ‘phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược’

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nha-luu-niem-vi-dai-tuong-duy-nhat-trong-lich-su-hien-dai-danh-bai-4-quoc-gia-tren-the-gioi-tai-que-huong-thu-hai-d133438.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhà lưu niệm vị Đại tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia trên thế giới tại 'Quê hương thứ hai'
POWERED BY ONECMS & INTECH