Vùng đất duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng ngay khi Người còn sống: Từng là huyện nghèo, nay vươn mình thành đảo ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc
Vùng đất này không chỉ được biết đến là một huyện đảo sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà còn mang một dấu ấn lịch sử đặc biệt.
Dấu ấn của Bác Hồ tại hòn đảo tiền tiêu
Huyện đảo Cô Tô, thuộc tỉnh Quảng Ninh, không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà còn mang một dấu ấn lịch sử đặc biệt bởi đây là nơi duy nhất trong cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Sự kiện hiếm có này đã trở thành niềm tự hào to lớn của quân và dân nơi đảo tiền tiêu, khắc ghi sâu sắc tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho vùng biển đảo xa xôi.
Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra thăm đảo Cô Tô. Trong chuyến thăm đầy ý nghĩa này, Người đã căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Với lòng kính yêu vô hạn, quân và dân trên đảo đã xin phép được dựng tượng Bác để luôn được nhìn thấy hình ảnh của Người. Nguyện vọng ấy đã được Bác Hồ đồng ý, mở đầu cho một công trình mang giá trị lịch sử và tinh thần đặc biệt.

Năm 1968, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp đã thực hiện bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thạch cao, với hình ảnh tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Tượng cao 1,8 mét, cả bệ là 4 mét, được khánh thành ngày 22/5/1968, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 78 của Bác. Đến năm 1976, bức tượng bán thân được thay thế bằng tượng toàn thân làm bằng bê tông cốt thép, cao 4,5 mét, cả bệ cao 9 mét, được đặt cách bờ biển 100 mét. Năm 1996, tượng được làm lại bằng chất liệu đá granit, giữ nguyên hình ảnh Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt hướng ra biển Đông.
Phía sau tượng Bác là tấm bia đánh dấu nơi máy bay chở Bác đáp xuống Cô Tô trong chuyến thăm lịch sử. Với ý nghĩa đặc biệt của khu di tích, năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Khu mỏ Quảng Ninh, khu đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng trong khuôn viên theo lối kiến trúc truyền thống, giản dị, tạo không gian để cán bộ, nhân dân và du khách đến Cô Tô có thể dâng hương tưởng niệm Người.
Không xa khu tượng đài là Nhà lưu niệm Hồ Chủ Tịch, nơi lưu giữ những ký ức về lần gặp gỡ giữa Bác và cán bộ huyện Cô Tô năm xưa. Nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến thăm đảo, cùng những tư liệu phản ánh thành tựu chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của quân dân trên đảo. Công trình được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, gồm 5 gian, lợp ngói. Gian giữa trang trọng đặt tượng bán thân Bác trên bục, phía sau là khung xếp ly vải đỏ với dòng chữ nổi bật nền đỏ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", bên dưới là đỉnh hương để người dân và du khách dâng nén hương tưởng niệm.

Khu di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 2.000 m², là quần thể lưu niệm thiêng liêng, ghi dấu sự kiện đặc biệt khi Bác Hồ đến thăm đồng bào và chiến sĩ nơi đây. Nơi này đã trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch và người dân tới dâng hương, tưởng nhớ Bác trước khi bắt đầu hành trình khám phá đảo ngọc Cô Tô.
Năm 1997, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích Quốc gia. Trải qua hàng chục năm với nhiều lần tu sửa, nâng cấp và mở rộng, công trình vẫn giữ nguyên bản về giá trị lịch sử và ngày càng thể hiện rõ ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Đây là địa điểm tham quan ý nghĩa nhất trong các tuyến, điểm du lịch trên đảo Cô Tô.
Ngày 18/1/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với nhân dân, cán bộ và chiến sĩ huyện đảo Cô Tô cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đây còn là tài sản đặc biệt, là động lực để Cô Tô thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến trở thành một vùng kinh tế biển năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách trong nước, quốc tế đến với đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Hơn 60 năm phát huy lời căn dặn của Người
Hơn sáu thập kỷ kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ trên sóng biển. Người dân nơi đây ra sức thi đua lao động sản xuất, cùng các chiến sĩ bộ đội ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ bình yên vùng biển Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
Từng là một huyện đảo nghèo với kinh tế chậm phát triển và thiếu thốn mọi mặt, Cô Tô nay đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt được cung cấp ổn định, cùng hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách từ đất liền ra đảo. Đặc biệt, tháng 7/2023, tuyến bay thương mại bằng thủy phi cơ kết nối đảo Tuần Châu (thành phố Hạ Long) với Cô Tô chính thức đi vào hoạt động, đưa khách du lịch đến đảo chỉ sau chưa đầy 20 phút bay. Đây là tiền đề quan trọng để Cô Tô trở thành một phần “vùng động lực” theo định hướng tổ chức mở rộng không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đảo luôn duy trì ở mức cao, từ 15–16%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tập trung mạnh vào ngành dịch vụ du lịch. Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành mũi nhọn theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Năm 2024, tỷ trọng cơ cấu ngành dịch vụ du lịch chiếm 67,5%, nông nghiệp chiếm 13,7%, công nghiệp – xây dựng chiếm 18,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 210 triệu đồng/năm, cao hơn 1,5 lần mức trung bình của tỉnh, Cô Tô không còn hộ cận nghèo.
Đặc biệt, năm 2015, Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện không còn hộ nghèo, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được bảo đảm.

Huyện đảo Cô Tô đang nỗ lực vươn lên trở thành một địa phương phát triển năng động, là trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Quyết tâm hướng đến hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, Cô Tô đang từng bước hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ và trở thành "đảo ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc".
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô đã và đang biến những lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa thành hiện thực, đưa huyện đảo này trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ảnh: Sưu tầm Internet
Bài viết sử dụng nội dung tham khảo:
Chuyện về hòn đảo duy nhất được đặt tượng Bác Hồ khi Người còn sống – Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 30/10/2019
Cô Tô - Nơi duy nhất được dựng tượng Bác khi Bác đang còn sống – Báo Quảng Ninh điện tử, ngày 25/10/2023
Đảo ngọc Cô Tô làm theo lời Bác – Báo Nhân Dân, ngày 14/05/2024
>> Tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 6 tấn sắp được khánh thành tại Làng Sen
Việt Nam sắp có siêu dự án cầu dây văng vượt sông hơn 20.000 tỷ, đón tin vui đúng ngày sinh nhật Bác
Tỉnh rộng nhất Việt Nam sắp có tượng 'Bác Hồ về thăm quê' và thác 9 tầng