Việt Nam sắp đưa một khu kinh tế cửa khẩu trở thành đầu mối giao thương với Campuchia
Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát sẽ đáp ứng nhu cầu làm việc, giao dịch, cư trú, giải trí, du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Khu kinh tế Cửa khẩu Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 130A/QĐ-UBND ngày 23/2/2005 có thời gian thực hiện đến năm 2020. Sau đó, năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục ra Quyết định số 410/ QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000 khu đô thị cửa khẩu Xa Mát thuộc khu kinh tế này.
Tuy nhiên, đến nay khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã có nhiều thay đổi, do vậy ngày 22/3/2024, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có quy mô 34.197ha, bao gồm địa giới hành chính của xã Tân Lập và Tân Bình của huyện Tân Biên. Trong đó, quy hoạch Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát 728ha.
Đến năm 2025 là đô thị loại V với dân số là 15.000 dân, đến năm 2030 là đô thị loại IV dân số 25.000 người.
Phía Bắc và phía Tây khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát giáp biên giới Việt Nam – Campuchia, phía Đông giáp xã Thạnh Bình và xã Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên, phía Nam giáp xã Thạnh Tây và xã Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn khu kinh tế này là đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Ảnh internet |
Với vị trí địa lý thuận lợi, đô thị cửa khẩu quốc tế Xa Mát sẽ là một thành phố biên giới có cơ cấu chủ yếu là dịch vụ – thương mại – du lịch – công nghiệp – hành chính, đáp ứng nhu cầu làm việc, giao dịch, cư trú, giải trí, du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cửa khẩu Xa Mát là cửa khẩu quốc tế tiếp giáp với Campuchia dài nhất. Cửa khẩu này nằm trên tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 22B nối khu vực du lịch hồ Tonlé Sap kéo dài đến đến Phnom Pênh - Bangkok Thái Lan bằng đường bộ hoàn toàn không phải qua phà, đồng thời có thể kết nối trực tiếp với các tỉnh phía Bắc Campuchia và các nước Lào, Myanmar, Ấn Độ… thông qua Quốc lộ 22B.
Thời gian gần đây, cửa khẩu Xa Mát thu hút xuất hàng nhập khẩu mạnh mẽ, số lượng hàng hóa xuất nhập qua lại biên giới giữa Việt Nam – Campuchia ngày càng tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm trên 100 triệu USD.
Với thế mạnh có Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và di tích văn hoá lịch sử Quốc gia Trung ương cục Miền Nam, đô thị cửa khẩu quốc tế Xa Mát còn là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng tạo ra mối liên kết phát triển đồng bộ vùng Du lịch hồ Tonlé Sap Campuchia và Hồ Dầu Tiếng (Việt Nam).
Tuy nhiên, đến nay, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát chỉ thu hút một dự án đầu tư là kho bãi của Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh, với diện tích 47.260m2.
Chính vì vậy, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Ma Xát kỳ vọng sẽ trở thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng tạo ra mối liên kết phát triển đồng bộ vùng biên giới của hai nước Việt Nam – Campuchia.
Theo tài liệu Biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (2010) của Ủy ban Biên giới quốc gia, đường biên giới giữa hai nước trên đất liền dài 1.137km, từ điểm cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đến sát mép biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh Kon Tum (95km), Gia Lai (90km), Đăk Lăk (73km), Đăk Nông (120km), Bình Phước (210km), Tây Ninh (220km), Long An (136km), Đồng Tháp (49km), An Giang (96km) và Kiên Giang (48km). |
Việt Nam lên kế hoạch phát triển cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN
Việt Nam chính thức có thêm một cửa khẩu được phép giao thương qua biên giới