Việt Nam sẽ xây dựng 'siêu' cầu gần 20.000 tỷ đồng, cách cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á khoảng 4,5km
Cây cầu này đang được nghiên cứu xây dựng kết hợp cầu đường sắt đi chung với đường bộ.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có thêm cầu Cần Thơ 2, nằm cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km về phía hạ lưu.
Cầu Cần Thơ 2 có điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và điểm cuối nối vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút giao IC2 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Tổng chiều dài dự kiến khoảng 14,65km.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã tổ chức các cuộc họp với chuyên gia và đơn vị đầu ngành để rà soát, hoàn thiện kết quả nghiên cứu cầu Cần Thơ 2, theo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp ngày 25/6/2024.
Dự kiến, dự án sẽ được trình Bộ Giao thông Vận tải để xem xét đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Cần Thơ 2 sẽ có quy mô 4 làn xe với mặt cắt ngang 24,75m. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông khu vực, dự án đang nghiên cứu thêm các phương án mở rộng mặt cắt ngang lên 6 làn xe hạn chế và 6 làn xe hoàn chỉnh.
Ngoài ra, dự án cũng xem xét kỹ lưỡng phương án sử dụng cầu cạn làm đường dẫn nhằm giảm thiểu tác động đến khu dân cư hai đầu cầu, theo Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép ngay từ giai đoạn thiết kế.
Cầu Cần Thơ 2 dự kiến sẽ bắc qua luồng chính của sông Hậu với khổ thông thuyền rộng 300m và tĩnh không luồng chính tương đương với cầu Cần Thơ (110x40m). Nhịp chính của cầu được thiết kế theo kết cấu dây văng, với hai phương án chiều dài nhịp chính là 450m hoặc 550m.
Bên cạnh đó, để kết nối đồng bộ với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Chà Và (tỉnh Vĩnh Long), dự án đã thực hiện mô phỏng giao thông trong tương lai và nghiên cứu bổ sung các giải pháp về vị trí kết nối nhằm tối ưu hóa thiết kế.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, sau hơn một năm nghiên cứu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất hai phương án đầu tư:
Phương án 1: Đường sắt đi riêng, không đi chung với đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 19.782 tỷ đồng.
Phương án 2: Đường sắt đi chung đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 27.494 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị lựa chọn phương án 1, với thời gian thực hiện từ năm 2026-2029, đồng bộ với việc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026.
Về nguồn vốn, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã nghiên cứu các phương án tài chính từ Ngân sách Nhà nước, vốn ODA hoặc theo mô hình PPP.
Dự án xây dựng cầu Cần Thơ 2, nối Vĩnh Long và TP. Cần Thơ, sẽ là mảnh ghép cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.
Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần tạo ra sự kết nối đồng bộ và thuận lợi với các cảng biển chính, khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn và hệ thống logistics trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.