Việt Nam sở hữu xưởng đóng tàu hiện đại nhất Đông Nam Á một thời, là nơi gắn liền với người đầu tiên được tặng Huân chương Sao Vàng cao quý nhất
Nơi đây tập trung rất nhiều công nhân, lao động, trở thành cái nôi của giai cấp công nhân, nơi mở đầu cho cuộc cách mạng vô sản Việt Nam 1915-1928.
Xưởng Ba Son ban đầu có tên là Chu Sư (còn gọi là thủy xưởng). Xưởng được thành lập từ năm 1791, dưới thời vua Nguyễn Ánh, tại khu vực Ba Son (nay là phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM) với nhiệm vụ đóng và sửa chữa thuyền.
Sau trận tấn công chiếm hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, Pháp quyết định xây dựng xưởng đóng tàu Sài Gòn (Arsenal de Saigon) ngay tại vị trí Chu Sư mà vua Nguyễn Ánh đã thành lập năm xưa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, căn cứ sử liệu tại Phòng lưu trữ của Ba Son (Hải quân công xưởng), xưởng Ba Son chính thức được thành lập vào ngày 28/4/1863.
Xưởng Ba Son được đánh giá là sở hữu quy mô xây dựng và trang bị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thời đó.
Ụ tàu lớn tại xưởng được xây dựng cuối năm 1888, là ụ tàu duy nhất của Ba Son. Đến nay ụ tàu này gần như còn nguyên vẹn sau hơn 130 năm. Công trình dài 156m, rộng 21m, sâu 10m, móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, sử dụng vật liệu xây mang từ Pháp, kinh phí hơn 7,8 triệu franc.
Phía Nam của ụ tàu là xưởng đóng tàu, phía Đông giáp xưởng cơ khí, phía Tây giáp trạm xưởng ụ đốc.
Xưởng Ba Son là một trong những xưởng tàu lớn nhất Đông Dương thời đó, tập trung rất nhiều công nhân và lao động, trở thành cái nôi của giai cấp công nhân, nơi mở đầu cho cuộc cách mạng vô sản Việt Nam 1915-1928.
Trong số những thợ thuyền, tiêu biểu nhất là Tôn Đức Thắng - người đã liên kết các thành viên thành lập Công hội Đỏ đầu tiên ở Sài Gòn (năm 1921) nhằm tương trợ và bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Ông Tôn Đức Thắng (1888-1980), bí danh Thoại Sơn sinh ra trong gia đình trung nông, được học hành cao. Ông quê ở cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang, thường được người dân gọi là Bác Tôn. Năm 24 tuổi, ông tham gia tổ chức công nhân bãi công và sau đó hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở về đất liền tham gia Ủy ban kháng chiến miền Nam, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách.
Ông là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ năm 1969 cho đến khi qua đời (năm 1980). Trước đó, Bác Tôn là Phó Chủ tịch nước trong giai đoạn 1960-1969.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng đều là những người hết lòng vì cách mạng, vì nhân dân. Cả hai xưng hô với nhau rất thân mật bằng đại từ “Cụ”. Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ rất trân trọng Bác Tôn, coi ông là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết và thủy chung.
Hơn 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, cũng như được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Đại đoàn kết.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lênin do Chính phủ Liên bang Xô Viết trao tặng vào năm 1955.
Sau ngày 30/4/1975, xưởng Ba Son được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản, xây dựng và phát triển trở thành Tổng công ty Ba Son.
Sau khi chủ trương di dời nhà máy đóng tàu xuống cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), diện tích đất rộng gần 30ha ở Ba Son sau đó được phát triển khu đô thị dọc bờ sông. Khu Ba Son dành ra diện tích hơn 6.000m2 để bảo tồn, trưng bày các di tích nhà xưởng, địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1993.