Kiến thức

Việt Nam sở hữu mỏ khoáng sản lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á một thời: Khai thác hơn 100 năm vẫn siêu lợi nhuận, từng được Bác Hồ đích thân tới thăm

Vĩ Hạ 17/08/2024 23:23

Nơi đây được xem là đứa con đầu lòng của nền khai khoáng, luyện kim màu ở Việt Nam.

"Kho báu" Việt Nam nắm giữ sản lượng hàng đầu thế giới

Thiếc là một trong những kim loại màu được sử dụng rất sớm trên thế giới. Khoảng 6.000 năm trước Công nguyên, thiếc đã bắt đầu được sản xuất và sử dụng ở các nước phương Đông dưới dạng hợp kim đồng thanh để làm đồ thờ cúng, vũ khí, trang trí...

Thiếc sa khoáng được khai thác từ mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Redsvn

Thiếc sa khoáng được khai thác từ mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Redsvn

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sản lượng khai thác thiếc trên thế giới chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, Indonesia và Myanmar (lần lượt với 81.000 tấn, 66.000 tấn và 33.000 tấn vào năm 2020). Trong đó, trữ lượng ước tính lớn nhất thuộc về Trung Quốc (với 1,1 triệu tấn), Indonesia (800.000 tấn), Mỹ, Australia, Bolivia (khoảng 400.000 tấn).

Việt Nam cũng có mặt trong thống kê của USGS với sản lượng hàng năm gần bằng Mỹ, nằm trong top 10 các quốc gia khai thác thiếc trên thế giới.

Mỏ lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á một thời

Nằm trong lòng dãy Phia Oắc, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) là một khu mỏ thiếc tọa lạc trong thung lũng treo Tĩnh Túc, được gọi là mỏ thiếc Tĩnh Túc. Nơi đây còn lưu giữ dấu ấn thời kỳ Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) giúp đỡ Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa ở vùng địa đầu Tổ quốc.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm ở thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Báo Lao Động

Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm ở thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Báo Lao Động

Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50km. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, công trình này ra đời vào năm 1955 và trở thành nhà máy lớn, hiện đại nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó. Mỏ thiếc này được coi là "đứa con đầu lòng" của ngành khai khoáng và luyện kim màu ở Việt Nam.

Bia kỷ niệm tình hữu nghị Việt - Xô ở mỏ thiếc, đặt tại cửa ngõ thị trấn Tĩnh Túc

Bia kỷ niệm tình hữu nghị Việt - Xô ở mỏ thiếc, đặt tại cửa ngõ thị trấn Tĩnh Túc

Theo các tài liệu, mỏ thiếc Tĩnh Túc là mỏ lộ thiên, bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1902, mỏ này thuộc sở hữu của người Pháp. Sau năm 1954, cùng với cả nước, quân và dân Cao Bằng đã bước vào thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chuyên gia ngành Địa chất của Liên Xô đang giới thiệu tác dụng của một cái mũi khoan máy thăm dò cho các công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Vimico

Chuyên gia ngành Địa chất của Liên Xô đang giới thiệu tác dụng của một cái mũi khoan máy thăm dò cho các công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Vimico

Nhờ nguồn tài nguyên phong phú và quý hiếm như vàng, mangan, thiếc, vonfram… cùng với các khai trường và hầm mỏ do thực dân Pháp để lại, Cao Bằng được Trung ương định hướng tập trung vào ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim màu.

Được các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, tháng 10/1955, mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập và bắt đầu tổ chức xây dựng đội ngũ công nhân, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất… Đúng 1 năm sau, Xí nghiệp sản xuất mỏ thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt - Xô.

Thiếc đã được đúc thành thỏi năm 1956

Thiếc đã được đúc thành thỏi năm 1956

Khi ấy, để khai thác quặng tại Tĩnh Túc, người thợ mỏ phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ do thiếu thốn nhiều điều kiện. Đường xa, rừng núi âm u, địa hình hiểm trở. Chưa kể, thời kỳ này Việt Nam vẫn thiếu thốn về trang thiết bị, nguồn thực phẩm và phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt... Nhưng vượt lên trên tất cả, tập thể cán bộ mỏ thiếc đã sản xuất ra những thỏi thiếc đầu tiên trong niềm phấn khởi vô bờ. Ngày 15/9/1958, mỏ thiếc Tĩnh Túc vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và động viên.

Cảnh Bác Hồ về thăm mỏ thiếc được tạc trên phù điêu

Cảnh Bác Hồ về thăm mỏ thiếc được tạc trên phù điêu

Sau ngày Bác Hồ về thăm, mỏ thiếc Tĩnh Túc có nhiều chuyển biến mới. Thực hiện theo lời Bác dặn, cán bộ và công nhân mỏ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua, từ đó xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất. Mỏ đã sản xuất được 120 tấn thiếc, vượt mức kế hoạch 20 tấn, hoàn thành kế hoạch năm 1958 trước 60 ngày.

Trong những năm 1960-1970, Tĩnh Túc trở thành một thị trấn sầm uất với dân số lên đến vài nghìn người, đèn điện sáng trưng, đời sống sung túc. Hiện nay, công tác khai khoáng và sàng lọc quặng thiếc tại Tĩnh Túc vẫn được duy trì và được quản lý, vận hành bởi Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin).

Theo tài liệu của Đảng bộ mỏ thiếc Tĩnh Túc, năm mỏ đạt sản lượng cao nhất là năm 1962, với tổng số 619 tấn quặng thiếc khai thác được. Đến năm 1967, số lượng công nhân tại mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người. Những kết quả này đã góp phần biến nơi đây thành cái nôi của ngành khai khoáng kim loại màu ở Việt Nam.

Khu nhà tuổi đời hơn nửa thế kỷ của công nhân mỏ thiếc ở trục phố chính của thị trấn Tĩnh Túc. Ảnh: Redsvn

Khu nhà tuổi đời hơn nửa thế kỷ của công nhân mỏ thiếc ở trục phố chính của thị trấn Tĩnh Túc. Ảnh: Redsvn

Để phục vụ cho số lượng công nhân lớn như vậy, lực lượng chăm lo đời sống phải lên đến hàng chục người, chưa kể những người phải đi học để nấu ăn, phục vụ riêng cho các chuyên gia Liên Xô. Vào thời kỳ bao cấp, nơi đây được coi như "thiên đường", bởi điện có suốt ngày đêm, thịt cá đầy đủ, trẻ em có kem ăn hàng ngày...

Từ khi trữ lượng quặng ở mỏ cạn dần, từ hàng nghìn công nhân vào những năm 1960-1970, nay chỉ còn lại vài trăm người. Hiện nay, cuộc sống của người dân thị trấn Tĩnh Túc đã trở lại với nếp yên bình như xưa. Tuy vậy, với sự phát triển của xã hội, người dân nơi đây đang hòa mình và thích nghi với nhịp sống hiện đại, và đến nay, đời sống của họ vẫn được duy trì ổn định.

>> Việt Nam trồng được 'kho báu' sản lượng lớn thứ 3 thế giới: 'Cứu tinh' của gần một nửa dân số toàn cầu, tự tin mang về 5 tỷ USD trong năm nay

Đoàn công tác Trung ương khảo sát mỏ khai thác ‘kho báu’ trữ lượng 8 triệu tấn của PC1

Công ty đào 'kho báu' của Việt Nam lãi kỷ lục, cổ phiếu tăng hơn 70% trong 1 tuần

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-so-huu-mo-khoang-san-lon-va-hien-dai-nhat-dong-nam-a-mot-thoi-khai-thac-hon-100-nam-van-sieu-loi-nhuan-tung-duoc-bac-ho-dich-than-toi-tham-d130712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sở hữu mỏ khoáng sản lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á một thời: Khai thác hơn 100 năm vẫn siêu lợi nhuận, từng được Bác Hồ đích thân tới thăm
    POWERED BY ONECMS & INTECH