Trung tâm dữ liệu phải có công suất lớn để đáp ứng nhu cầu tính toán hiệu năng cao, nhưng công suất kéo theo các vấn đề phát thải, tản nhiệt. Trung tâm dữ liệu xanh tại Hoà Lạc là cam kết của Viettel phát triển hạ tầng số bền vững ở Việt Nam.
“Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ tháng 7/2024 đã chính thức đề cập đến khái niệm hạ tầng số. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Vào cuối những năm 1970, mật độ năng lượng của trung tâm dữ liệu (DC) thường chỉ trong khoảng từ 2kW đến 4kW mỗi rack. Ngày nay, với nhu cầu phát triển AI và tính toán hiệu năng cao, các doanh nghiệp cần tới mật độ năng lượng trên 40 kW mỗi rack để đáp ứng khối lượng công việc. Vào tháng 11/2023, Sillicon Valley Power dự báo rằng mức tải DC hàng năm vào 2035 sẽ “tăng gấp đôi hiện tại”.
“Nhu cầu về nguồn điện cho từng rack và công suất DC đã tăng lên, kéo theo năng lượng và nhiệt, đòi hỏi các giải pháp mới”, theo Colm Shorten, Giám đốc cấp cao về Trung tâm dữ liệu tại JLL Real Estate.
“Ngoài quy mô được đo bằng tổng công suất điện có thể đáp ứng, DC hiện đại còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như khả năng vận hành xanh, bền vững nữa”, ông Hoàng Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Viettel IDC, nói.
DC đòi hỏi hiệu năng cao, bền vững
Với các DC, nhà phát triển hạ tầng có thể xếp chồng nhiều máy chủ vào cùng một diện tích, tạo ra DC mật độ cao để tăng quy mô công suất, tương đương với hiệu năng. Tuy nhiên, mật độ có thể cao đến đâu tùy thuộc vào khả năng làm mát và giảm PUE – chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị IT. Theo Dgtl Infra, chuyên trang về hạ tầng số, các DC theo xu hướng hiện đại cần có công suất từ 20MW trở lên.
Theo Shorten, bây giờ với sự phát triển bùng nổ của AI, yêu cầu về DC để đáp ứng khối lượng tính toán ngày càng tăng lên, có nghĩa là các nhà phát triển DC cần phải cân nhắc làm sao để xây dựng cơ sở hạ tầng mật độ cao, công suất cao. Nếu xây dựng một DC theo mô hình truyền thống thuần túy, nguy cơ là nó sẽ trở nên lỗi thời có khi chỉ trong vòng 2-4 năm.
Mặt khác, với sự phát triển nhanh về công suất, các trung tâm dữ liệu cũng sẽ gặp thách thức lớn hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu bền vững. Ví dụ như tại châu Âu, theo Uptime Institute, chỉ thị báo cáo Phát triển Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) sẽ bắt đầu tác động đến một số doanh nghiệp có trụ sở tại EU từ ngày 1/1/2024 và doanh nghiệp buộc phải báo cáo các số liệu như hiệu quả sử dụng nước và phát thải carbon.
Tại COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025.
Do đó, các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm giải pháp lưu trữ và tính toán, mà còn là giải pháp xanh, bền vững.
Góp phần xây dựng hạ tầng số bền vững cho Việt Nam
Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, chia sẻ: “Trước đây, trung tâm dữ liệu phần lớn chỉ đáp ứng những nhu cầu tính toán cơ bản. Giờ đây, các trung tâm dữ liệu sẽ phục vụ cho AI, cho Big Data”.
Để phục vụ nhu cầu này, Viettel ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc với công suất 30MW, có công suất lớn nhất ở Việt Nam trong khi sử dụng số rack và diện tích tương đương. Tại sự kiện giới thiệu DC vào ngày 10/4, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, đây là cơ sở đầu tiên trong kế hoạch 2 năm tới, tiếp theo là 3 trung tâm dữ liệu với tổng công suất thiết kế là 240 MW.
DC Viettel Hoà Lạc hiện có công suất lớn nhất Việt Nam và cũng là cơ sở sử dụng năng lượng hiệu quả nhất với chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị IT đạt mức 1,4 – 1,5, tốt hơn 12% so với trung bình ngành. HSBC cũng đã chứng nhận DC Viettel Hòa Lạc đủ điều kiện nhận tín dụng Xanh.
Để đáp ứng công suất cao, tiết kiệm năng lượng, đại diện Viettel IDC cho biết, toà nhà sử dụng hệ thống giải nhiệt ly tâm đệm từ tiên tiến nhất, có hệ số hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn 40% so với các hệ thống khác.
Với các rack hiệu năng cao, công suất lên đến 40kW để đáp ứng nhu cầu AI, DC sử dụng làm mát Reardoor, tản nhiệt đặt trong rack. 2/3 số lượng rack tại dự án đáp ứng tiêu chuẩn rack mật độ cao, ứng dụng các giải pháp làm mát mới như FCU inrow, Fanwall Unit.
Với hiệu suất cao, ước tính mỗi năm DC này sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 1 triệu Kwh, tương đương 1.000 tấn CO2, trong khi đáp ứng được các nhu cầu về AI và dữ liệu lớn.
“Các DC của Viettel đều hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ 20-30%, đó là một cam kết rất mạnh mẽ”, ông Hoàng Văn Ngọc khẳng định.
“Nhằm đảm bảo chủ quyền về dữ liệu, không mất đi nguồn tài nguyên quan trọng nhất trong thời đại số, Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các DC. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô và tới năm 2030 là 40.000 tỷ đồng”, ông Tào Đức Thắng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Viettel đã đi đúng hướng khi đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu có thiết kế đặc biệt để sẵn sàng đáp ứng hạ tầng cho AI và tính toán hiệu năng cao, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng.
“Việc ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc hôm nay là minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam tiêu chuẩn quốc tế và cũng là hiện thực hóa sứ mệnh hạ tầng số của Viettel”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.