Vinacafé Biên Hoà: Nhìn lại doanh nghiệp "bé hạt tiêu" luôn trả cổ tức "khủng" của thị trường chứng khoán

03-10-2022 06:00|Hồ Nga

Vinacafé Biên Hoà chính là doanh nghiệp sản xuất ra gói cà phê hoà tan đầu tiên tại Việt Nam.

Nhắc đến cà phê, những người “mê” cà phê sẽ nghĩ ngay đến những cái tên, những cái tên đó có thể rất khác nhau, vì ngay cả tại Việt Nam cũng đã có nhiều thương hiệu cà phê đình đám, mang các vị khác hẳn nhau: Trung Nguyên với cà phê pha phin, cà phê hoà tan G7, Vinacafé Biên Hoà với những gói cà phê màu vàng nhạt, ngọt đậm hơn… Ngoài ra còn Neslte, còn cà phê Mộc, cà phê chồn… Trong số đó, một thương hiệu, mỗi cái tên đều gắn với một lịch sử hình thành khác nhau mang đậm dấu ấn riêng.

slide1.jpg

Vinacafé Biên Hoà tiền thân là Nhà máy cà phê Coronel thuộc sở hữu của ông Marcel Coronel người Pháp, xây dựng năm 1969 tại Khu Kỹ nghệ Biên Hoà. Nhà máy có hệ thống máy móc được nhập khẩu từ Đức, là nhà máy chế biến cà phê hoà tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương.

Năm 1975, khi Việt Nam thống nhất, ông Marcel về nước, giao lại nhà máy cho Chính phủ lâm thời. Nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Cà phê Biên Hoà và giao cho Tổng cục công nghệ thực phẩm quản lý, trực thuộc Xí nghiệp liên hiệp Sữa – cà phê – bánh Kẹo 1 (nay là Vinamilk).

screenshot-2022-09-30-115537.png

Năm 1977 Việt Nam sản xuất thành công cà phê hoà tan – gói cà phê hoà tan đầu tiên do chính Việt Nam sản xuất. Và 1 năm sau đó Việt Nam đã xuất khẩu được những lô cà phê hoà tan đầu tiên đến các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Năm 1983 thương hiệu Vinacafé ra đời.

Chục năm sau đó, năm 1993, sản phẩm cà phê hoà tan 3 trong 1 ra đời đánh dấu một bước ngoặt mới trong thói quen dùng cà phê của người Việt. Với bột kem và đường đưa sẵn vào gói cà phê hoà tan, thị trường đã nhanh chóng đón nhận và thay đổi thói quen uống cà phê tồn tại rất lâu trước đó.

screen-shot-2022-09-29-at-11.53.49.png

Vinacafé Biên Hoà cho biết công nghệ sản xuất cà phê hoà tan của công ty là công nghệ “sấy phun – spray drying) kết hợp bí quyết “thu hương” đã giúp cho chất lượng, hương vị cà phê được đảm bảo và hấp dẫn được khách hàng. Ngay từ những ngày đầu, hệ thống phân phối của Vinacafé Biên Hoà cũng phủ kín 63 tình thành thông qua các mô hình đại lý và nhà phân phối.

Bước ngoặt lớn, năm 2004 Vinacafé Biên Hoà chính thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi ban đầu Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hoà, vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng.

Những năm sau đó công ty đã 5 lần tăng vốn, đến tháng 10/2010 vốn điều lệ tăng lên thành 265,79 tỷ đồng và giữ nguyên từ đó đến nay. Ngoài các sản phẩm cà phê, Vinacafé Biên Hoà còn phát triển thêm dòng sản phẩm ngũ cốc dĩnh dưỡng và nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

screenshot-2022-09-30-140729.png
screenshot-2022-09-30-120201.png

Năm 2011 đánh dấu một dấu mốc quan trọng khác với Vinacafé Biên Hoà – là đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán sau gần 7 năm cổ phần hoá với mã chứng khoán VCF, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 50.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó năm 2011 cơ cấu cổ đông của Vinacafé Biên Hoà cũng không cô đặc: Tổng Công ty Cà phê Việt Nam sở hữu 50,26% vốn cổ phần. 2 cổ đông lớn khác là Chứng khoán Beta (8,63%) và ông Trần Quang Lộc sở hữu 7,7% vốn cổ phần. Tổng 3 cổ đông lớn sở hữu 66,6% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hoà, số còn lại nằm trong tay của 374 cổ đông là các tổ chức và cá nhân.

Sau khi lên sàn, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) và 2 cổ đông lớn cũng dần thoái vốn. Điểm nhấn là tháng 6/2011 và thansg 12/2013 bán khoảng 9,9 triệu cổ phiếu VCF, thù về hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm2015 Vinacafe bán hết toàn bộ 3,41 triệu cổ phiếu VCF còn lại với giá 153.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 533 tỷ đồng.

Cổ đông Nhà nước rời đi, thay vào đó là cái tên Masan Consumer thế chỗ bằng việc mua 14,1 triệu cổ phiếu VCF (tỷ lệ 53,2%) và trở thành công ty mẹ (sau này Masan consumer chuyển nhượng toàn bộ cổ phần VCF sang cho Masan Beverage quản lý). Sau đó Masan Consumer còn liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu, giá chào mua cũng rất cao, có lúc lên đến 170.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay Masan Beverage đã thâu tóm gần hết cổ phiếu VCF tự do, và đang mong muốn nắm toàn bộ 100% số cổ phần tại Vinacafé Biên Hoà.

Một trong những dấu ấn khi “về” với Masan là việc Vinacafé Biên Hoà hợp nhất hệ thống phân phối với Masan Consumer, khiến công tác bán hàng, phân phối sản phẩm của cả 2 trở nên thuận tiện, giảm thiểu chi phí, đồng thời tạo thành một hệ thống chung phát triển, rộng khắp và hiệu quả.

screenshot-2022-09-30-120331.png

Một trong những ấn tượng của nhà đầu tư khi nhắc tới Vinacafé Biên Hoà là doanh nghiệp giữ nguyên vốn điều lệ từ khi lên sàn năm 2011 đến nay, gần 266 tỷ đồng tương ứng gần 26,6 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn.

Ít cổ phiếu, giá cổ phiếu VCF của công ty luôn thuộc TOP những cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhiều năm liền. Từ thị giá 50.000 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn, đến nay giá cổ phiếu VCF đang “neo” ở sát vùng giá 256.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá doanh nghiệp đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Giá cao, Vinacafé Biên Hoà cũng “làm giàu” cho vô số cổ đông ban đầu, cho cả Vinacafe. Thời điểm Masn Consumer gom hàng, giá cổ phiếu VCF cũng đã giao dịch ở mức cao, hàng trăm ngàn đồng mỗi cổ phiếu.

screenshot-2022-09-30-120513.png

Nhắc tới Vinacafé Biên Hoà, nhà đầu tư nhớ ngay đến doanh nghiệp thường xuyên gây bất ngờ mỗi kỳ thanh toán cổ tức. Gần đây nhất, cuối năm 2021 VCF 2 lần liên tiếp trong vòng 3 tháng chốt danh sách cổ đông cùng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 250%, trong đó 1 lần trả cổ tức năm 2020 và 1 lần tạm ứng cổ tức năm 2021. Công ty cũng trả cổ tức năm 2018 tỷ lệ 240%, còn cổ tức năm 2017 còn “khủng” hơn, tỷ lệ 660%.

Có thể có nhà đầu tư “chặc lưỡi”: “của nhà người ta”, tuy vậy việc Masan Beverage sở hữu đến 98,79% vốn điều lệ và nhận gần như hết cổ tức mỗi lần Vinacafé Biên Hoà thanh toán cũng chỉ mới mấy năm gần đây. Trước đó Masan Beverage chỉ dần nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hoà. Bên cạnh đó, thông thường các nhà đầu tư vẫn để ý đến cái tỷ lệ cổ tức chi trả, dù trả cho ai, bởi doanh nghiệp có lãi mới có thể trả cổ tức cao.

Khi nhắc đến Vinacafé Biên Hoà nhà đầu tư cũng không quên ấn tượng về một doanh nghiệp thường xuyên đạt chỉ số EPS cao, trong đó cao nhất năm 2020 đạt trên 27.2000. Các năm trước đó như 2019, 2018 cũng đạt lần lượt trên 25.600 và trên 24.000 đồng. Tuy vậy chỉ số PE vẫn cao trên 15.

screenshot-2022-09-30-120709.png

Vinacafé Biên Hoà cũng là số ít doanh nghiệp không chạy theo tiến trình tăng vốn ồ ạt. Hơn chục năm trên sàn, công ty vẫn giữ nguyên vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh rất ấn tượng với doanh thu duy trì đều đặn từ 2.100 tỷ đồng đến 3.400 tỷ đồng trong chụ năm nay. Lợi nhuận cũng duy trì từ 300 tỷ đồng năm 2012 lên trên 700 tỷ đồng năm 2020 và giảm về mức 430 tỷ đồng năm 2021. Vinacafé Biên Hoà là một trong số những doanh nghiệp kinh doanh ổn định, lãi lớn hàng năm.

screenshot-2022-09-30-141133.png

Vinacafé Biên Hoà cho biết, năm 2021 là năm khó khăn chung của cả nước và thế giới do ảnh hưởng nên doanh thu và lợi nhuận của công ty có giảm sút.

Bước sang 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thuận lợi hơn, doanh thu Vinacafé Biên Hoà đạt mức tăng 18,5% lên 954 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 190 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ.

screenshot-2022-09-30-141336.png

Vinacafé Biên Hoà cũng cho biết, chiến lược kinh doanh của công ty vẫn là giữ vũng vị trí đầu ngành, trọng tâm đặt vào 2 nhãn hiệu Vinacafé và Wake-Up247.

presentation8.jpg

Cuộc chiến ngành cà phê hoà tan chưa bao giờ là dễ dàng khi G7 của Trung Nguyên, hay Nestle hay rất nhiều thương hiệu cà phê khác trong nước và nước ngoài cũng đang dần xâm nhập, quảng bá thương hiệu. Vinacafé Biên Hoà duy trì được kết quả kinh doanh ổn định là một nỗ lực lớn của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tình trạng cạnh tranh ngày càng lớn, việc doanh nghiệp định hướng tập trung vào những sản phẩm chủ lực, liên tục nghiên cứu các sản phẩm mới ưu việt hơn sẽ chiếm được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Từ hàng chục năm trước, một chuyên gia tư vấn cao cấp về thương hiệu của Công ty LantaBrand phân tích, nhiều sản phẩm hàng hóa bán chạy hiện nay có thể là sản phẩm của chiến lược marketing hiện đại. Tuy nhiên, nếu giá cả và chất lượng thuyết phục được người tiêu dùng thì yếu tố tình cảm sẽ đóng góp nhiều vào quyết định mua hàng. Còn ở thời điểm này, không chỉ chiến lược marketing, tình cảm, mà còn là chất lượng, hương vị sẽ “đánh” thẳng vào vị giác người dùng.

Trên thực tế, thị trường Việt Nam dù du nhập rất nhiều thương hiệu cà phê hoà tan khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn giữ “thế 3 chân” giữa Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hoà và Nestle. Và trong khi Trung Nguyên ồn ào với với những chiến dịch marketing rộng rãi, thì Vinacafé Biên Hoà lại âm thầm lặng lẽ chinh phục người dùng bằng chất lượng và sự tinh tế trong từng sản phẩm. Slogan của công ty vẫn là “hương vị của thiên nhiên”, “chinh phục khẩu vị Thế giới”.

screenshot-2022-09-30-121902.png

Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.

Hưởng lợi từ giá cà phê, Vinacafe Biên Hòa (VCF) báo lãi tăng trưởng 45%

Sau 4 năm chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 240 - 660%, VinaCafe’ Biên Hòa sẽ chi trả tỷ lệ bao nhiêu cho năm 2022?

VinaCafe' Biên Hòa (VCF) lãi 319 tỷ đồng năm 2022, giảm 27% so với cùng kỳ

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vinacafe-bien-hoa-nhin-lai-doanh-nghiep-be-hat-tieu-luon-tra-co-tuc-khung-cua-thi-truong-chung-khoan-151549.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vinacafé Biên Hoà: Nhìn lại doanh nghiệp "bé hạt tiêu" luôn trả cổ tức "khủng" của thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH