VN-Index giảm 40% sau 7 tháng: Vì đâu?

16-11-2022 14:42|Khánh Quỳnh

Với phiên giảm điểm ngày 15/11/2022, VN-Index chính thức lập kỷ lục - chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới trong tất cả các khung thời gian phổ biến.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại nửa đầu tháng 11/2022 đầy sóng gió bằng một phiên giao dịch đáng quên. Sắc đỏ bao phủ trên hầu hết các nhóm ngành, thậm chí toàn thị trường có đến gần 400 mã cổ phiếu giảm sàn. VN-Index đóng cửa giảm 3,1% xuống 911,9 điểm - thấp nhất trong hơn 25 tháng (kể từ ngày 5/10/2020).

Đáng chú ý, mức giảm 3,1% đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á trong phiên 15/11.

Tính từ đầu tháng đến hết phiên 15/11/2022, VN-Index đã giảm 116 điểm - tương ứng mức giảm 11,3%.

Trên thực tế, không chỉ riêng phiên vừa qua, hầu hết các thị trường lớn trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,... đều đã hồi phục tương đối khả quan thời gian gần đây. Dù vậy, hiệu ứng tích cực gần như không lan tỏa đến thị trường chứng khoán Việt.

Với phiên giảm điểm ngày 15/11/2022, VN-Index chính thức lập kỷ lục - chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong tất cả các khung thời gian phổ biến gồm 1 tuần, 1 tháng, 1 quý, 6 tháng, 1 năm, từ đầu năm 2022 và từ đỉnh.

Nếu tính từ mức cao lịch sử 1.524 điểm (phiên 4/4), VN-Index đã giảm tới 612 điểm - tương đương hơn 40% chỉ sau 7 tháng.

Nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 11 đã thổi bay hơn 463.000 tỷ đồng (~19,6 tỷ USD) vốn hóa trên HOSE. Tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã đánh rơi hơn nửa triệu tỷ đồng vốn hóa. Nếu so với thời điểm đỉnh cao hồi đầu tháng 4, con số này thậm chí còn lên đến gần 2,68 triệu tỷ đồng.

Thị trường liên tục giảm mạnh trong bối cảnh làn sóng “call margin” một loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản gây áp lực lớn trên nhiều cổ phiếu. Một số mã thậm chí còn giảm sàn “tắt” thanh khoản với lượng dư bán lớn lên đến hàng chục triệu đơn vị. Có thể kể đến như NVL và PDR - cả 2 cổ phiếu VN30 này đều đã giảm sàn trong gần 2 tuần trở lại đây.

Đáng nói, NVL hay PDR chỉ là hai trong số hàng trăm cổ phiếu bị bán sàn trên toàn thị trường chứng khoán những ngày qua sau hiệu ứng call margin tại hàng loạt mã cổ phiếu.

Đến thời điểm này, có cả trăm mã chứng khoán đã bị kéo về đáy dài hạn trong đó có cả các mã đầu ngành/cổ phiếu bluechips. Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy vẫn nhập cuộc rất dè dặt trong bối cảnh một phần dòng tiền đã rút ra để quay trở lại sản xuất kinh doanh, gửi lãi suất,...

Thêm vào đó, những lo ngại về việc siết chặt quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và room tín dụng hạn chế cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự sôi động của thị trường chứng khoán.

Giao dịch ngày càng trở nên ảm đạm kéo thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 với giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE chưa đến 8.700 tỷ đồng. 

Trước đó, như chứng tôi đã thông tin, ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) từng nhấn mạnh: "Tại Việt Nam, câu chuyện thị trường chứng khoán hoàn toàn khác biệt với thế giới nếu chúng ta làm thống kê. Fed tăng lãi suất đương nhiên tác động toàn thế giới nhưng thị trường chứng khoán các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái, Malaysia, Indonesia,… không giảm mạnh như VN-Index.

Câu chuyện mà nhà đầu tư lo sợ chính là trái phiếu doanh nghiệp; đây mới là nỗi lo thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo. Tuy nhiên thống kê của tôi, dù tăng mạnh lãi suất song trên bảng cân đối của Fed mới chỉ thu hẹp được lượng tiền rất nhỏ so với lượng cung đã ra. Thế giới vẫn ngập tiền và tiền sẽ sớm đi tìm kênh đầu tư khi mọi thứ trở nên yên tĩnh hơn". 

Trong một nghiên cứu mới đây, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có nhiều nguyên nhân khiến chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh tính đến thời điểm hiện tại.

can-van-luc.jpeg

Thứ nhất, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh sau hơn 2 năm tăng nóng. Cụ thể, thị trường thế giới và Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng trong 2 năm qua (từ quý 2/2020 đến hết quý 1/2022), thậm chí có thời điểm nhiều chỉ số chứng khoán lên mức cao nhất trong vòng 20 - 30 năm.

Đà tăng trưởng này là kém bền vững khi chủ yếu dựa vào những yếu tố như dòng tiền rẻ từ các chính sách hỗ trợ trong đại dịch COVID-19, hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi suất thấp, tâm lý hưng phấn (có thời điểm trở nên "quá mức") của nhiều nhà đầu tư, một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dược phẩm, bất động sản,… được hưởng lợi nhiều từ bối cảnh dịch bệnh.

Đối với Việt Nam, thị trường chứng khoán còn có những đặc điểm khác như mức độ rủi ro cao hơn do tâm lý đám đông, chất lượng nhà đầu tư còn thấp,... Do đó, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi (lạm phát tăng cùng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu), thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có xu hướng thắt chặt, lãi suất và tỷ giá tăng, nhà đầu tư điều chỉnh lại đánh giá, kỳ vọng của mình, việc thị tường chứng khoán toàn cầu (trong đó có Việt Nam) điều chỉnh mạnh là tất yếu, nhất là từ tháng 4/2022 đến nay.

Hai là rủi ro, thách thức gia tăng đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Theo đánh giá của ông Lực, khả năng suy thoái nhẹ kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức trên 50% (từ 55 - 60%) trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam (như với Mỹ, khả năng suy thoái 60 - 70%, EU 50 - 60%,...) khiến thị trường xuất khẩu, đầu tư đang bị thu hẹp, trong bối cảnh CPI toàn cầu năm tới còn ở mức cao (tăng khoảng 6,5% dù giảm từ mức 8,8% năm 2022) trước khi trở lại quỹ đạo 4% năm 2024 và khoảng 2,5 - 3% sau đó.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với 5 rủi ro, thách thức chính đến cuối năm 2022 và năm 2023 bao gồm: NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất còn tăng, rủi ro tỷ giá, nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng, áp lực thanh khoản lớn hơn; xung đột Nga – Ukraine còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu, năng lượng, lương thực – thực phẩm; Trung Quốc tăng trưởng thấp do mở cửa thận trọng và tập trung cơ cấu lại,…; khả năng suy thoái nhẹ kinh tế toàn cầu năm 2023 là hiện hữu, thu hẹp thị trường xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế. 

Ở trong nước, áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá tăng còn lớn trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp; doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nghĩa vụ trả nợ, thị trường đầu ra; giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi dù được thúc đẩy song còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn tăng vẫn là thách thức trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn.

rl.jpg

Thứ ba là dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này được lý giải là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào thị trường chứng khoán thời gian qua đều giảm.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất tăng, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên.

Bốn là áp lực giải chấp. Theo Fiinpro, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến cuối quý 3/2022 ở mức 165.000 tỷ đồng (mặc dù giảm 18% so với cuối năm 2021 song vẫn là mức khá cao so với giai đoạn trước năm 2019). Với lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ (cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định). Vòng xoáy giải chấp này đã diễn ra rất mạnh trong tháng 10 vừa qua và có thể được nhìn thấy từ các hoạt động bán giải chấp của lãnh đạo DIC Corp, Phát Đạt, LDG,...

Ngoài ra còn có tâm lý đám đông và niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh bên cạnh những tác động tiêu cực từ bối cảnh rủi ro vĩ mô, kinh tế - tài chính như nêu trên; tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh thị trường chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua,...

Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Việc xử lý, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý còn chậm cũng có tác động nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Dù vậy, bất chấp những thách thức trên, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 với mức tăng khoảng 15 - 20%.

Dòng tiền cá mập đẩy mạnh giao dịch tại nhóm cổ phiếu bán lẻ DGW, FRT, MWG

Doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cao Top 5 năm 2023 sắp rời sàn chứng khoán

[LIVE] Thị trường ngày 14/5: Cổ phiếu Vinfast (VFS) tăng 50% sau một đêm, VIC, VHM, VRE hưởng ứng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vn-index-giam-40-sau-7-thang-vi-dau-158414.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
VN-Index giảm 40% sau 7 tháng: Vì đâu?
POWERED BY ONECMS & INTECH