VPBank chính thức bán 15% vốn cho SMBC, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam

27-03-2023 14:09|Hoàng Yến

Sau khi bán 15% vốn cho SMBC, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Vietcombank.

Sáng nay (27/3/2023), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

VPBank chính thức bán 15% vốn cho SMBC, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank và ông Masahiro Yoshimura, Giám đốc điều hành, Tổng trưởng Quản lý Đầu tư, Ngân hàng SMBC ký kết thỏa thuận.

Khoản đầu tư sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Thoả thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, thoả thuận đầu tư được ký kết giữa hai bên đã minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa VPBank và SMBC. Trước đó vào tháng 5/2022, hai bên đã ký Thoả thuận hợp tác kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (công ty con của SMFG) cũng đã mua lại 49% vốn cổ phần tại FE Credit - công ty con của VPBank.

Sau khoản đầu tư lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều đó cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược.

Trong năm 2022, VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối hiệu quả với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 21.219 tỷ đồng, lọt Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất. Động lực tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu ở những tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 1 ngân hàng có lợi nhuận đột biến nhờ thỏa thuận độc quyền bancassurance.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản VPBank đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 23,4% lên 438.338 tỷ đồng.

Về phía SMBC, trước khi đến với VPBank qua thương vụ mua lại 49% vốn cổ phần của FE Credit, ngân hàng Nhật Bản có thời gian dài gắn bó với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB). Cụ thể, SMBC trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007, khi chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 8/2/2022, Hội đồng quản trị Eximbank bất ngờ công bố quyết định chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông SMBC theo yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản, kết thúc 15 năm hợp tác. Tương tự SMBC cũng công bố văn bản chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược.

Mới đây, SMBC cũng thông báo đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào ngày 13/1. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhật Bản tại Eximbank bị giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,5 triệu cổ phiếu). Điều này đồng nghĩa, SMBC không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng và cũng không thuộc diện công bố thông tin.

Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở

Mô hình ATM của Thế giới Di động (MWG) đạt 20.000 giao dịch sau 7 ngày, bình quân 5-6 triệu đồng/lệnh

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vpbank-chinh-thuc-ban-15-von-cho-smbc-tro-thanh-ngan-hang-co-von-chu-so-huu-lon-thu-2-tai-viet-nam-175493.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VPBank chính thức bán 15% vốn cho SMBC, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH