‘Vũ khí vàng’ giúp siêu cường Nga tránh mọi khủng hoảng bất chấp hàng loạt ‘đòn giáng’ trừng phạt
Các chuyên gia cho rằng vẫn có các yếu tố tích cực giúp kinh tế Nga vượt qua những thách thức trong tương lai.
Theo Business Insider (BI), một nhóm các chuyên gia đang đánh giá rằng năng lực kinh tế của Nga đủ mạnh để “loại trừ” hầu hết mọi khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do các yếu tố nội tại gây ra trong ít nhất 3-5 năm.
Nhận định này được ba chuyên gia viết trong một báo cáo cho Trung tâm Phân tích và Chiến lược Châu Âu (CASE).
Báo cáo này đã phản bác lại quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng ở Nga sẽ xảy ra, sớm nhất là vào năm tới, một lập luận được nhà kinh tế như Yuriy Gorodnichenko chỉ ra.
Nhà phân tích của UC Berkeley đánh giá hoạt động thương mại năng lượng chậm lại của Moscow và tình trạng thiếu hụt USD sẽ gây ra cuộc khủng hoảng. Thậm chí, một số chuyên gia và quan sát viên tại Nga cũng dự đoán rằng vào năm 2025, nền kinh tế của Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, có thể bao gồm cả tình trạng đình trệ kinh tế.
Mặc dù Moscow chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn trong tương lai, nhưng nhóm các chuyên gia viết báo cáo vẫn cho rằng những khó khăn này không nên bị hiểu là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Thay vào đó, họ tin vẫn có yếu tố tích cực sẽ giúp Nga duy trì sự phục hồi và khả năng vượt qua những thách thức trong tương lai.
Nhu cầu trong nước
Thị trường tiêu dùng và sản xuất trong nước của Nga thường không được đánh giá đầy đủ về mức độ quan trọng của nó trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Nga.
Thực tế, thị trường nội địa (bao gồm tiêu dùng, sản xuất trong nước, và các hoạt động kinh tế trong nước) đã đóng góp lớn vào khả năng "bền bỉ" hoặc duy trì sự ổn định của nền kinh tế Nga. Chúng giúp nước này tiếp tục phát triển mặc dù có những yếu tố khó khăn từ bên ngoài như xung đột và các lệnh trừng phạt.
"Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng, năm 2023, lượng thép tiêu thụ đã lên tới 30 triệu tấn (tăng 9% so với năm trước)", theo báo cáo của CASE.
Báo cáo cũng chỉ ra các hộ gia đình giàu có đã được hưởng lợi từ lãi suất cao. Khi lãi suất cao, người dân và các nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ các khoản đầu tư như tiền gửi ngân hàng…
Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2024, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế nội địa của Nga còn tăng trưởng nhanh hơn so với doanh thu từ ngành dầu khí.
Cụ thể, doanh thu từ dầu khí, vốn chiếm 40-45% tổng doanh thu ngân sách liên bang trong giai đoạn 2014-2019, đã giảm xuống chỉ còn 30-35% trong giai đoạn 2023-2024.
Điều này cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong cấu trúc nguồn thu của ngân sách Nga, khi các nguồn thu từ trong nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn so với doanh thu từ dầu khí. Nó phản ánh sự chuyển hướng của nền kinh tế Nga trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt và giá dầu giảm.
Lạm phát và lo ngại về lao động không phải là vấn đề
Báo cáo của CASE thừa nhận rằng việc chi tiêu nhiều hơn và tiền lương cao hơn đã khiến lạm phát nóng lên, nhưng điều này không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.
Mức lạm phát 8,54% vào tháng 10 được coi là tin tốt cho Moscow, vì lạm phát một chữ số không khiến nền kinh tế chậm lại và có thể được xem là "bình thường mới".
Và mặc dù Nga dự đoán sẽ mất khoảng 5 triệu lao động vào năm 2023, nhưng việc giảm bớt những công việc dư thừa trong các doanh nghiệp và tập đoàn có thể giúp tạo ra cơ hội cho 2 triệu lao động mới.
Những lao động này có thể chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc tham gia vào các ngành nghề có nhu cầu cao hơn, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động.
Báo cáo cũng đề cập đến việc Nga đang xem xét các biện pháp như để các trường Cao đẳng Kỹ thuật trở thành lựa chọn bắt buộc. Điều này nhằm khuyến khích đào tạo lao động có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang xem xét thay đổi chính sách di cư để thu hút thêm lao động từ các quốc gia khác, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.
Theo BI
>> Đồng minh Nga chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS