Vĩ mô

‘Vựa lúa quốc gia’ khát vốn: Vì sao miền Tây trù phú lại mãi 'đói' vốn đầu tư?

Trường Thanh 31/03/2025 14:30

Được ví như “trái tim nông nghiệp” của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm nuôi sống hàng chục triệu người và xuất khẩu hàng tỷ USD nông sản. Thế nhưng, vùng đất trù phú ấy lại đang rơi vào tình trạng “khát vốn” dai dẳng.

Tại Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024 (AMDER 2024), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức sáng 27/03/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, toàn bộ thực trạng và nguyên nhân của “cơn khát đầu tư” kéo dài suốt nhiều năm qua đã được phân tích toàn diện.

Mặc dù được mệnh danh là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực và đóng góp tới hơn 50% vào thặng dư thương mại cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long lại nằm cuối bảng về thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. “Nếu không chắt chiu từng đồng vốn, không định vị lại chiến lược đầu tư, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn trượt dài trong vòng xoáy đi xuống”, theo cảnh báo của TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc FSPPM, Trưởng nhóm nghiên cứu AMDER 2024.

‘Vựa lúa quốc gia’ khát vốn: Vì sao miền Tây trù phú lại mãi 'đói' vốn đầu tư?
TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ các thông tin nghiên cứu trong báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long được công bố sáng 27/03.

Vòng xoáy đi xuống: Vùng đất “vàng” nhưng đói vốn trầm trọng

Trong giai đoạn 2021–2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 11,2% cả nước, giảm mạnh so với mức 13,2% của giai đoạn 2011–2016, thấp hơn tỷ lệ 13% GDP mà vùng đóng góp vào kinh tế quốc gia. Nghịch lý này cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long đang "đổ mồ hôi nhiều hơn nhưng nhận ít phần hơn", tạo ra sự lệch pha nghiêm trọng giữa mức cống hiến và mức hưởng lợi từ chính sách đầu tư quốc gia. Đó là vòng luẩn quẩn “đầu tư thấp – tăng trưởng thấp – lại càng ít đầu tư” mà báo cáo AMDER 2024 nhiều lần cảnh báo.

Tỷ trọng đầu tư tư nhân – động lực tăng trưởng cốt lõi – cũng giảm sút đáng kể, từ 14,9% xuống chỉ còn 12,4% trong vòng 10 năm. Đặc biệt, có tới 43% vốn tư nhân tại vùng đến từ hộ gia đình, cao hơn hẳn mức trung bình toàn quốc là 31%. Điều này phản ánh rõ sự thiếu vắng của khu vực doanh nghiệp lớn, đồng thời cho thấy khả năng tích lũy tư bản và mở rộng đầu tư trong khu vực này đang ở mức rất hạn chế.

Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bức tranh còn u ám hơn. Năm 2024, cả vùng chỉ thu hút được 1,3 tỷ USD, chiếm 3,35% tổng FDI cả nước – thấp hơn từng tỉnh riêng lẻ như Bình Dương (1,95 tỷ USD), Đồng Nai (1,9 tỷ USD) hay Bà Rịa – Vũng Tàu (1,71 tỷ USD). Đáng chú ý, riêng tỉnh Long An chiếm tới 68,35% tổng vốn FDI toàn vùng, trong khi phần lớn các tỉnh còn lại gần như không có dự án FDI mới, tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các địa phương trong cùng khu vực.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, “tính bình quân đầu người, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ ba về vốn ODA, thứ tư về đầu tư công, thứ năm về FDI và thứ sáu – thấp nhất – về đầu tư tư nhân trong nước trong sáu vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam”. Hệ quả là “cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu”, theo ông.

Bốn lực cản kìm hãm dòng vốn: Vùng đất trù phú, nhưng bị “trói tay”

Báo cáo AMDER 2024 chỉ ra bốn rào cản chính đang kìm hãm khả năng thu hút vốn vào Đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ hệ thống hạ tầng giao thông và logistics yếu kém. Toàn vùng thiếu kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lớn, trong khi chi phí logistics nội vùng cao gấp đôi bình quân cả nước. Các tuyến cao tốc trọng điểm như Cần Thơ – Cà Mau hay Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vẫn chưa hoàn thành, kéo lùi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp đến là chất lượng nguồn nhân lực ở mức báo động. Theo AMDER 2024, hơn 57% lao động trong vùng chỉ học hết tiểu học, trong khi tỷ lệ lao động có chứng chỉ kỹ thuật hoặc nghề chỉ đạt khoảng 43% – thấp nhất cả nước. “Đây là điểm nghẽn cơ cấu nghiêm trọng”, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, khiến Đồng bằng sông Cửu Long khó có thể chuyển mình sang các ngành công nghệ cao hay công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng lớn.

Ngoài ra, môi trường thể chế và chính sách đầu tư thiếu hấp dẫn tiếp tục là rào cản dài hạn. Theo khảo sát 153 doanh nghiệp trong vùng, chỉ 56,9% có kế hoạch mở rộng đầu tư trong 5 năm tới, trong đó phần lớn chỉ mở rộng dưới 25%. Có tới 32% doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư mới, và 11,1% có ý định chuyển vốn ra khỏi vùng, chủ yếu về Đông Nam Bộ.

Cuối cùng, yếu tố tự nhiên ngày càng trở thành lực cản phát triển. Biến đổi khí hậu đang gây ra xâm nhập mặn, sụt lún đất và nước biển dâng, đe dọa trực tiếp đến nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Tỷ trọng tín dụng nông nghiệp – từng đạt đỉnh 61% – nay đang giảm nhanh do lo ngại rủi ro thiên tai, khiến quá trình chuyển đổi xanh bị chững lại và các dự án nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận vốn.

Cần chiến lược đầu tư thông minh

Để hóa giải “cơn khát vốn” kéo dài, AMDER 2024 đề xuất bốn nhóm giải pháp chiến lược, trong đó nhấn mạnh cần xác định đúng ưu tiên đầu tư và triển khai hiệu quả chính sách thu hút vốn. Trước hết, cần đưa chuyển đổi số thành trọng tâm phát triển. “Ưu tiên đầu tư hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, theo TS. Vũ Thành Tự Anh. Mô hình số hóa toàn diện sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí vận hành cho cả khu vực công và tư.

Cùng với đó, cần tái cơ cấu đầu tư công theo hướng trúng đích và có sức lan tỏa. Các dự án cao tốc như Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Sóc Trăng, cùng hệ thống logistics nông sản nếu được giải ngân đúng tiến độ sẽ tạo ra “cú hích” quan trọng cho toàn vùng. Theo báo cáo, hạ tầng giao thông không chỉ giúp tăng kết nối vùng mà còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cải thiện thể chế là điều kiện tiên quyết. “Khi nguồn lực hạn chế, đầu tư không thể dàn trải, mà phải chắt chiu từng đồng vốn”, theo TS. Vũ Thành Tự Anh. Việc đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa cấp phép và tạo điều kiện tiếp cận đất đai, tín dụng cho doanh nghiệp cần trở thành trọng tâm trong cải cách chính sách tại từng tỉnh.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh hợp tác công – tư (PPP) để huy động nguồn lực tư nhân vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng, năng lượng sạch, logistics và đô thị sinh thái. Ông Jonathan London – Cố vấn Kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam – nhấn mạnh: “Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa quy hoạch trung ương và địa phương. Cần những tín hiệu rõ ràng hơn cho khu vực tư nhân. Và cần các đối tác phát triển quốc tế để thu hẹp khoảng cách về năng lực và tài chính”.

Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể “lội ngược dòng” nếu chắt chiu từng đồng vốn

Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng duy nhất tại Việt Nam có dân số không tăng trong 10 năm qua, trong khi thu nhập hộ gia đình chỉ tăng 24,4% – thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, mặt tích cực là cơ cấu thu nhập đã dịch chuyển mạnh mẽ: thu nhập từ nông nghiệp giảm từ 67% xuống 29%, còn thu nhập từ tiền lương tăng từ 31% lên 66%. Điều này cho thấy vùng đang dần thoát khỏi cái bóng “vùng trũng nông nghiệp” để vươn tới một mô hình phát triển đa ngành hiện đại hơn.

Vấn đề cốt lõi không nằm ở việc thiếu tiềm năng, mà là chưa tận dụng đúng tiềm năng. Với chiến lược đầu tư hợp lý, thể chế minh bạch, hạ tầng kết nối mạnh mẽ và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành “cực tăng trưởng mới” của Việt Nam. Như TS. Vũ Thành Tự Anh cảnh báo: “Khi vốn ít, thì mỗi đồng vốn phải được dùng đúng chỗ, tạo ra nhiều nhất giá trị. Chỉ khi đó, miền Tây mới không bị bỏ lại phía sau”.

>> Việt Nam ‘khát’ kỳ lân công nghệ: Đâu là chìa khóa giúp startup bứt phá?

Đề xuất mới nhất liên quan dự án khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long

Lý do vốn FDI 'chảy' vào Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vua-lua-quoc-gia-khat-von-vi-sao-mien-tay-tru-phu-lai-mai-doi-von-dau-tu-284680.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Vựa lúa quốc gia’ khát vốn: Vì sao miền Tây trù phú lại mãi 'đói' vốn đầu tư?
    POWERED BY ONECMS & INTECH