Bất động sản

Bệnh viện 1.700 tỷ từng kỳ vọng lớn nhất và hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ hoang: Chủ tịch Quốc hội lên tiếng

Việt Hoàng 08/02/2025 12:00

Đề cập dự án này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng giải quyết để dự án sớm đi vào hoạt động.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Trong phần trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điểm mới của dự thảo là tập trung ưu tiên bố trí vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm.

Các dự án này bao gồm đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và các dự án kết nối liên vùng, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ngoài ra, các chương trình, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng được ưu tiên phân bổ vốn.

> > Tỉnh lớn nhất khu vực Tây Nguyên và lớn thứ hai Việt Nam sắp có thêm khu đô thị 240ha, quy mô dân số khoảng 17.000 người

Hiện trạng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Nguồn ảnh: Báo Xây dựng
Hiện trạng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Nguồn ảnh: Báo Xây dựng

Đồng thời, vốn đầu tư cũng hướng tới các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai như sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, và nước biển dâng.

Về ngân sách Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ngân sách hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương, dự thảo bổ sung một số tiêu chí tính điểm mới, như khu vực chịu tác động từ các công trình quốc phòng, khu vực quân sự nhóm đặc biệt và các xã đặc biệt khó khăn vùng III. Các khu vực Tây Nguyên, trung du và miền núi Bắc Bộ cũng sẽ nhận được sự ưu tiên.

Về vốn nước ngoài, công tác phân bổ sẽ được đổi mới theo hướng ưu tiên dự án chuyển tiếp đã được phê duyệt. Số vốn còn lại, nếu có, sẽ do Trung ương quản lý để bố trí cho các chương trình phát sinh trong kỳ trung hạn, sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra và cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ các tiêu chí phân bổ vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, nhằm đảm bảo phù hợp với quy định mới trong Luật Đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng phân bổ vốn dàn trải, bởi việc này đã dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp trong thời gian qua.

Ông yêu cầu phân bổ vốn hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng và giải quyết các hạn chế từ Nghị quyết 973/2020, đặc biệt là việc thiếu cơ chế quản lý và ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương trong đầu tư hạ tầng.

Đề cập dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng giải quyết để dự án sớm đi vào hoạt động.

Ông Mẫn bày tỏ sự sốt ruột trước tình trạng dự án bị bỏ hoang nhiều năm và nhấn mạnh cần ưu tiên phân bổ vốn cho các công trình cấp thiết, đang dang dở.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

"Tổng Bí thư Tô Lâm nói ngay kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật chưa sửa, nhưng phải có nghị quyết tháo gỡ. Tổng Bí thư hết sức sốt ruột, nói đợi đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 thì xa quá. Đề nghị bộ trưởng về xem xét lại tập trung đầu tư vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực này bố trí sẽ được ủng hộ ngay, ủng hộ cao", ông Mẫn nêu.

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn trước có tới 20.000 dự án đầu tư công, nhưng trong giai đoạn 2016-2020, con số này đã giảm còn 10.000 dự án và nhiệm kỳ vừa qua xuống dưới 5.000 dự án.

Thủ tướng yêu cầu trong nhiệm kỳ này, số dự án sẽ giảm còn dưới 3.000. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc tập trung vào các dự án lớn, trong khi các dự án nhỏ sẽ phân cấp cho địa phương tự xử lý.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết và cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong dự thảo nghị quyết.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (bao gồm vốn ODA từ Chính phủ Hungary và vốn đối ứng trong nước) được thiết kế với quy mô 500 giường bệnh.

Khởi công từ tháng 10/2017, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành bệnh viện ung bướu lớn nhất và hiện đại nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng.

Tuy nhiên, đến năm 2022, dự án phải tạm dừng thi công khi mới hoàn thành khoảng 82% khối lượng xây dựng và hơn 16% hạng mục cung cấp, lắp đặt thiết bị. Kể từ đó, khối nhà bệnh viện bị bỏ hoang, phơi nắng mưa suốt nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đầu tư.

> > ‘Hòn ngọc biển Đông’ của Việt Nam sắp có khu dân cư mới, quy mô lên tới 15.000 người

TP trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ có bệnh viện mới hơn 4.000 tỷ, quy mô 1.000 giường

Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp đưa vào hoạt động 3 bệnh viện mới quy mô nghìn giường bệnh

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/benh-vien-1700-ty-tung-ky-vong-lon-nhat-va-hien-dai-nhat-dong-bang-song-cuu-long-bi-bo-hoang-chu-tich-quoc-hoi-len-tieng-202250208092540282.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bệnh viện 1.700 tỷ từng kỳ vọng lớn nhất và hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ hoang: Chủ tịch Quốc hội lên tiếng
    POWERED BY ONECMS & INTECH