LPBank mở đầu kết quả kinh doanh quý I/2024 nhóm ngân hàng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Sau phiên bán tháo ngày 15/4, VN-Index giảm 60 điểm, nhiều cổ phiếu “nằm sàn” kèm thanh khoản lớn, thị trường tiếp tục xu hướng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 16/4. Từng có thời điểm, VN-Index giảm gần 25 điểm về 1.191,73 điểm.
Tuy nhiên, nhờ sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng, kết phiên chỉ số rút lên 1.215,68 điểm, giảm 0,93 điểm (-0,08%). Thanh khoản sàn HoSE đạt 30.326 tỷ đồng, tương ứng 1.355 triệu cổ phiếu, giảm 7% so với phiên liền trước, nhưng cao hơn 31% thanh khoản trung bình 20 phiên.
Nhóm ngân hàng tăng điểm nhưng xuất hiện sự phân hóa trong phiên 16/4 |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 30 - 40% vốn hóa VN-Index tăng 0,46% trong phiên, đóng góp lớn vào đà rút chân của VN-Index, đồng thời giữ tâm lý ổn định cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự phân hóa cũng xảy ra rõ rệt giữa các cổ phiếu trong cùng ngành.
Tính trên cả 3 sàn HSX, HNX, UPCoM có 13 cổ phiếu ngân hàng tăng điểm gồm: LPB (+4,01%), TCB (+2,48%), MBB (+2,11%), PGB (+2,7%), CTG (+1,79%),...
Ở chiều giảm có 15 cổ phiếu gồm: NVB (-5%), VBB (-3,26%), STB (-0,73%), VCB (-1,09%), MSB (-1,45%),...Duy nhất cổ phiếu HDB giữ tham chiếu trong phiên.
Lợi nhuận trước thuế của LPB |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực trong bối cảnh LPB vừa mở đầu cho nhóm ngành, công bố kết quả kinh doanh quý I/2024.
Theo đó, trong quý đầu năm, LPB mang về 2.886 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 84% và 85% so với cùng kỳ quý I/2023.
Theo lý giải từ phía LPBank, có được kết quả này là nhờ ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, LPBank cũng chú trọng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu …
Tính đến hết ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng của LPBank đạt mức 307.708 tỷ đồng, tăng 11,71% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng huy động đạt 6,72%, ở mức 304.531 tỷ đồng.
Gần đây, MBS Research có đưa ra nhận định, quý I/2024 kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay (HDB, TCB, ...) hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng (BID, TCB, STB) sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành.