‘Vua tiêu’ Phan Minh Thông dễ dàng kiếm 700.000 USD nhờ ‘mỏ vàng’ mới của giới nhà giàu Việt và quốc tế
Chủ tịch Phúc Sinh Phan Minh Thông kiếm 700.000 USD từ thị trường tranh nghệ thuật, trở thành một tên tuổi đáng chú ý của giới đầu tư tranh nghệ thuật Việt.
Thị trường tranh nghệ thuật: "Mỏ vàng" mới của giới nhà giàu Việt và khối ngoại
Tối 29/11, triển lãm tranh với chủ đề Khoảnh khắc mùa thu chính thức khai mạc tại Painting Castle (TP.HCM), do ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, tổ chức.
Triển lãm trưng bày nhiều tác phẩm quý giá của các danh họa hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Đỗ Xuân Doãn và Lê Võ Tuân.
Được biết đến với danh xưng “vua tiêu” khi dẫn dắt Tập đoàn Phúc Sinh - nhà xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam với 8% thị phần toàn cầu, ông Phan Minh Thông còn là “tay chơi” trong làng tranh nghệ thuật.
Một minh chứng tiêu biểu cho sự nhạy bén của ông là thương vụ mua tranh Trần Lưu Hậu cách đây 10 năm, khi giá mỗi bức chỉ khoảng 5.000 USD. Đến nay, ông đã bán 5 bức tranh của danh họa này với giá 700.000 USD, một con số ấn tượng, cho thấy sự tăng giá mạnh mẽ của tranh Việt trên thị trường nghệ thuật.
Nghệ thuật tranh triển lãm, vốn được xem là "sân chơi" trị giá hàng chục tỷ USD trên toàn cầu, hiện đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo ông Thông, ngành tranh nghệ thuật trong nước hiện có giá trị hàng trăm triệu USD và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ông chia sẻ: “Nếu tôi không nhầm thì thị trường tranh nghệ thuật thế giới có giá trị rất lớn, đạt đến 50 tỷ USD. Còn ở Việt Nam thì ngành vẫn còn là ngách đầy hứa hẹn”.
Doanh nhân Phan Minh Thông, nguồn: Internet |
>> ‘Vua tiêu’ Việt Nam chơi lớn: Mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, view nhìn thẳng ra Hồ Tây
Trong và sau thời Covid-19, nhiều người đầu tư trên thế giới tìm tới nghệ thuật để trú ẩn, đặc biệt là hội họa. Theo đó, giá cũng tăng lên chóng mặt, nhiều khi dân văn phòng nói đùa tranh còn tăng hơn cả bất động sản và cổ phiếu.
Ông Thông nhận định: “Tất cả tranh gần như không giảm giá và tranh đắt tiền thì chỉ có tăng. Càng khủng hoảng càng tăng giá. Tranh như một nơi trú ẩn an toàn để bỏ tiền cất, hay đầu tư”.
Với sự tham gia của ngày càng nhiều nhà đầu tư từ văn phòng, kinh doanh đến tài chính, thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Đây không chỉ là “sân chơi” của giới giàu có mà còn là cơ hội đầu tư văn hóa với giá trị bền vững.
10 năm kinh nghiệm trong ngành tranh nghệ thuật
Tham gia thị trường từ năm 2014, ông Thông nhận thấy một làn sóng nhà sưu tập mới đang hình thành tại Việt Nam. Tầng lớp thượng lưu, từ doanh nhân đến người kinh doanh, ngày càng yêu thích hội họa, thậm chí ra nước ngoài mua tranh. Điều này đã đẩy giá tranh tăng gấp 8-10 lần so với 10 năm trước.
“Tranh Trần Lưu Hậu 10 năm trước 1 bức kích cỡ 80x90 cm có giá tương đương 5.000 USD thì giờ đã lên tới 50.000 USD hay 60.000 USD những bức tranh đẹp, tăng 10 lần… người mua vẫn sẵn sàng chi trả - toàn nhà sưu tập người Việt Nam”, ông Thông cho biết.
Dù vậy, ông khẳng định việc sưu tầm tranh không chỉ là đầu tư. Đối với ông, nghệ thuật mang lại niềm vui và cảm hứng sống. “Với tranh nghệ thuật, tôi sưu tập là chính, chứ nếu bán thì bán hết rồi. Năm nay là năm đầu tiên tôi thấy tranh tăng 10 lần nên mới bán ra”.
Nguồn: Internet |
Sự phát triển kinh tế cùng sự gia tăng tầng lớp giàu có đã tạo đà cho thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam. Nhiều bức tranh từ các danh họa Việt Nam đã đạt mức giá triệu USD trên các sàn đấu giá quốc tế.
Các “ông lớn” như Sotheby’s, Christie’s hay Phillips không chỉ tổ chức bán đấu giá tranh Việt mà còn bổ nhiệm nhân sự nghiên cứu nghệ thuật và thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường.
Dẫu vậy, ông Thông nhận định, vẫn còn những rào cản. “Tranh nghệ thuật thì phải có sự yêu thích. Người có tiền cũng không đầu tư những gì họ không yêu. Rào cản thứ hai là tài chính, bởi không phải ai cũng có điều kiện tham gia”.