Vùng trung du miền núi phía Bắc sắp có một khu du lịch quốc gia trọng điểm, định hướng thành trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh
Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch quan trọng nhất của tỉnh và là 1 trong 12 điểm du lịch chính của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực này được định hướng phát triển thành khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Được biết, khu du lịch hồ Hòa Bình được quy hoạch thành 6 phân khu, trong đó trung tâm dịch vụ du lịch sẽ là khu du lịch vịnh Ngòi Hoa - Thung Nai - Suối Hoa tọa lạc tại các huyện Tân Lạc và Cao Phong.
Trước đó, Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đồng bộ.
Khu du lịch hồ Hòa Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch quan trọng nhất của tỉnh Hòa Bình và là 1 trong 12 điểm du lịch chính của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đây sẽ là địa điểm nổi bật với các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang lại cho du khách cơ hội khám phá và trải nghiệm văn hóa Mường, kết hợp với hệ sinh thái đặc biệt của hồ Hòa Bình.
Với diện tích 52.200ha bao phủ các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và thành phố Hòa Bình, hồ Hòa Bình mang cảnh quan thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Nơi đây vừa có sự kết hợp giữa những dãy núi xanh mướt và hàng chục đảo nhỏ lớn nổi bật giữa làn nước trong xanh.
Bên cạnh đó, khu vực hồ Hòa Bình còn có những điểm đến hấp dẫn như hang Thác Bờ, hang Hoa Tiên, đền bà Chúa Thác Bờ, đảo Dừa, đảo Ngọc... cùng với những bản làng của người Mường, Dao yên bình, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng hồ sông Đà.
Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã huy động các nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu du lịch. Trong đó, nổi bật là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình kết nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hòa Bình đã được đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian đi lại đáng kể.
Ngoài ra, tuyến đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình lên cảng Thung Nai (Cao Phong) cũng được mở rộng và nâng cấp. Đồng thời, một số tuyến đường kết nối các điểm trong khu du lịch cùng hệ thống điện lưới, sóng viễn thông tại các khu, điểm du lịch cũng đã được đầu tư. Được biết, hiện tại, khu vực hồ Hòa Bình đã thu hút được 16 dự án đầu tư về du lịch và dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng.
Trong số 5 tiêu chí để được công nhận là khu du lịch quốc gia, tính đến hiện tại, hồ Hòa Bình đã đáp ứng được ba tiêu chí, đó là có ít nhất hai nguồn tài nguyên du lịch, trong đó phải có ít nhất một nguồn tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.
Hòa Bình cũng đang nỗ lực hoàn thiện và sớm hoàn thành hai điều kiện còn lại, đó là có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống cũng như các nhu cầu khác của khách du lịch và đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.