Vượt mặt Nga, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu ở Trung Á
Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Trung Á, giúp tăng cường vị thế của họ trong khu vực này.
Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại chính của cả 5 quốc gia Trung Á. Kazakhstan là quốc gia Trung Á gần đây nhất chứng kiến Bắc Kinh chiếm ưu thế cao hơn Moscow về tỷ lệ kim ngạch thương mại hàng năm.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Kazakhstan tổng hợp cho thấy, Trung Quốc chiếm 21,3% (trị giá 21,7 tỷ USD) tổng ngoại thương của Kazakhstan trong 9 tháng đầu năm 2023. Còn thị phần kim ngạch thương mại của Nga chỉ đạt 18,6% (18,9 tỷ USD). Điều này cho thấy Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của Kazakhstan.
Nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Kazakhstan sang Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hóa thành phẩm, đồ gia dụng, quần áo và ô tô là những mặt hàng chủ yếu được Trung Quốc xuất khẩu sang Kazakhstan.
Song, số liệu của Trung Quốc về thương mại song phương có sự khác biệt so với Kazakhstan.
Theo Zhang Xiao, đặc phái viên của Bắc Kinh tại Kazakhstan, kim ngạch thương mại song phương trong 10 tháng đầu năm 2023 lên tới 32,7 tỷ USD, đánh dấu giá trị thương mại tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Phương tiện truyền thông Kazakhstan đưa tin rằng con số trong giai đoạn này là 24,3 tỷ USD.
Cũng theo số liệu này, thương mại quá cảnh của Bắc Kinh với Kazakhstan tăng gấp đôi trong năm 2023 và hiện ở mức 1,5 triệu tấn. Các quan chức Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt 7,5 triệu tấn hàng hóa quá cảnh qua Kazakhstan vào năm 2029.
Cơ quan Thống kê Nhà nước Uzbekistan báo cáo rằng Trung Quốc cũng chiếm 21,3% thị phần kim ngạch thương mại (trị giá 12,23 tỷ USD) với Uzbekistan trong 11 tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu của Uzbekistan sang Trung Quốc đạt tổng cộng 2,27 tỷ USD và nhập khẩu 9,96 tỷ USD. Nga, đối tác kim ngạch thương mại lớn thứ 2 của Uzbekistan, chiếm thị phần 15,5% (trị giá 8,86 tỷ USD).
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Uzbekistan sang Trung Quốc trong giai đoạn này trị giá 503 triệu USD, thấp hơn gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sự chậm trễ kéo dài được báo cáo tại một số cửa khẩu biên giới đất liền giữa Kazakhstan và Trung Quốc. Như việc chờ đợi của xe tải và ô tô để vượt qua trạm kiểm soát biên giới Nur Zholy có thể kéo dài hơn 11 ngày, theo Phòng Doanh nhân Quốc gia Atameken.
Trích dẫn khiếu nại của các tài xế, xe tải chở hàng thường bị nhân viên hải quan kiểm tra nhiều lần mà “không có lời giải thích”. Do đó, các quan chức gần đây đã bắt đầu vận hành trạm kiểm soát Nur Zholy 24/24 để giải quyết vấn đề ùn tắc biên giới.
Hiện tại, Bắc Kinh đang tập trung vào các nhiệm vụ chính như cung cấp năng lượng, tiếp cận tài nguyên khoáng sản, tạo hành lang giao thông hiệu quả và đảm bảo an ninh khu vực. Nước này có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính, các khoản vay và đầu tư cho các quốc gia Trung Á ở mức độ mà Nga không thể đáp ứng được.
Sự gia tăng đáng kể trong kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Kazakhstan và Uzbekistan cho thấy quan hệ thương mại giữa 2 bên đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Điều này càng củng cố vị thế của Trung Quốc ở Trung Á và tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược mở rộng của Trung Quốc.
>> Trung Quốc tận dụng Con đường Tơ lụa để củng cố hợp tác với Trung Á
Các nhà máy châu Á chao đảo vì kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt
Trung Quốc hoàn tất xây dựng bệ phóng số 1 tại trung tâm phóng tàu vũ trụ thương mại đầu tiên