Vượt Mỹ và kiểm soát 50% thị trường toàn cầu, ngành đóng tàu Trung Quốc 'bị đưa vào tầm ngắm'
Kết quả này có thể dẫn đến nguy cơ tăng thuế hoặc phí cảng đối với tàu Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây kết luận rằng Trung Quốc đã sử dụng các chính sách và biện pháp không công bằng để thống trị lĩnh vực hàng hải, logistics và đóng tàu toàn cầu.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai đã mở cuộc điều tra vào tháng 4/2024 theo yêu cầu của United Steelworkers và 4 công đoàn khác của Mỹ, dựa trên Đạo luật Thương mại năm 1974.
Quy định này cho phép Washington áp đặt trừng phạt đối với các quốc gia có hành vi “không thể biện minh” hoặc “vô lý”, gây tổn hại đến thương mại Mỹ.
Theo đó, các nhà điều tra kết luận rằng Trung Quốc đặt mục tiêu thống lĩnh ngành đóng tàu và hàng hải thông qua trợ cấp, tạo rào cản với doanh nghiệp nước ngoài, ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ và chính sách mua sắm ưu tiên trong nước.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn “cố tình duy trì chi phí lao động ở mức thấp một cách đáng quan ngại” trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và logistics.
Báo cáo trích dẫn dữ liệu cho thấy thị phần của Trung Quốc trong ngành đóng tàu toàn cầu (trị giá 150 tỷ USD) đã tăng từ khoảng 5% vào năm 2000 lên hơn 50% vào năm 2023, chủ yếu nhờ trợ cấp Chính phủ. Ngược lại, thị phần của Mỹ giảm xuống dưới 1%.
Giới phân tích cho rằng báo cáo này có thể trở thành cơ sở để chính quyền kế nhiệm áp dụng các biện pháp như thuế quan hoặc phí cảng đối với tàu do Trung Quốc sản xuất.
USTR dự kiến công bố kết quả điều tra trong tuần này, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Biden rời Nhà Trắng vào ngày 20/1.
Trong khi đó, Washington và các nước phương Tây đã nhiều lần chỉ trích chính sách công nghiệp của Trung Quốc và tình trạng dư thừa sản xuất, bao gồm cả ngành thép. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này.
Các chuyên gia nhận định việc khôi phục ngành hàng hải Mỹ sẽ cần hàng chục năm và khoản đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD. Họ cho biết chỉ riêng việc áp thuế quan là không đủ.
Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, bình luận: “Chúng ta đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta không có năng lực mở rộng sản xuất, và công suất đóng tàu quá thấp – điều này là không thể chấp nhận được với một cường quốc”.
Ông Trump, người cam kết tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60%, tuần trước đã chỉ trích việc Bắc Kinh thống lĩnh ngành đóng tàu thương mại và quân sự. Trong cuộc phỏng vấn với phát thanh viên Hugh Hewitt, ông nói Mỹ đã “chịu thiệt hại nghiêm trọng” và cần thay đổi chiến lược.
Mỹ hiện chỉ có 20 xưởng đóng tàu công và tư nhân, giảm mạnh so với hơn 300 xưởng vào đầu những năm 1980.
Theo Reuters
>> 2 ông lớn Trung Quốc vào tầm ngắm của Mỹ, cổ phiếu 'lao dốc không phanh'