Vượt Thái Lan, giá gạo Việt cao nhất thế giới
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới những ngày qua tăng giảm trái chiều. Điều bất ngờ, vượt qua Thái Lan, gạo Việt Nam xuất khẩu đang có giá cao nhất thế giới.
Các nước đua nhập gạo Việt Nam
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) cho thấy, sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường, giá gạo Việt Nam và Thái Lan đua nhau tăng và thiết lập kỷ lục mới. Trong khi Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19/7 (trước ngày Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 541 USD/tấn. Với đà tăng không ngừng nghỉ, đến ngày 10/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan vọt lên mức 638 USD/tấn và 651 USD/tấn, tăng lần lượt 105 USD/tấn và 110 USD/tấn.
Song 5 phiên giao dịch tiếp theo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có sự tăng giảm trái chiều. Gạo 5% tấm của Thái Lan bắt đầu giảm mạnh trong phiên ngày 16 và 17/8, xuống còn 613 USD/tấn, song phiên 18/8 lại bật tăng 5 USD/tấn lên mức 618 USD/tấn.
Trong khi, gạo cùng loại của Việt Nam sau khi giảm nhẹ ở các ngày 14, 15 và 16/8, đến phiên giao dịch 17/8 giá đã tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên mức 628 USD/tấn và giữ ổn định ở mức này trong phiên 18/8. Gạo 25% tấm của nước ta cũng bật tăng mạnh trong những phiên gần đây, lên mức 618 USD/tấn.
Trong phiên 18/8, cả gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đều vượt gạo cùng loại của Thái Lan, lần lượt là 10 USD/tấn và 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập mặt hàng này của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.
Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của nước ta - đã trúng hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia giá trị 127 triệu USD. Gạo xuất khẩu sẽ được giao cho đối tác trong năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, thu về 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt tính đến hết tháng 7/2023. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt gần 1,94 triệu tấn với kim ngạch 984,9 triệu USD, giảm 2,1% về lượng nhưng tăng 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp sau đó là Trung Quốc và Indonesia. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 413,5 triệu USD, tăng mạnh 70,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Indonesia đạt 299,4 triệu USD, tăng đột biến 1.527%, tức gấp hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2023, một loạt thị trường tăng mua mạnh gạo Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 7,1 triệu USD, gấp gần 75 lần so với cùng kỳ năm ngoái; sang Chile gấp hơn 27 lần, sang Bỉ gấp gần 4 lần, Đài Loan gấp 2,8 lần,...
Giá lúa gạo nội địa quay đầu giảm
Tại thị trường nội địa, giá gạo cũng tăng mạnh. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gạo cho hay, đơn vị này mỗi tháng nhập gần 50 tấn gạo phục vụ sản xuất. Song, giá một số mặt hàng gạo đã tăng tới 50% so với cách đây 1 tháng.
Đơn cử, gạo 504 trước đây chỉ 10.000 đồng/kg, nay tăng lên 14.000-15.000 đồng/kg; gạo Hàm Châu cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg.
Tại thị trường gạo bán lẻ, trước đà tăng giá gạo vừa qua, đại diện MM Mega Maket Việt Nam cho hay sức mua gạo tại siêu thị này tăng 30-40%.
Trong tháng 8, phía siêu thị sẽ không tăng giá gạo. Tuy nhiên, giá bán dự kiến trong tháng 9 sẽ tăng nhẹ. Việc điều chỉnh giá trước sức ép của thị trường là điều không thể tránh khỏi, vị đại diện này nói.
Tại các cửa hàng, chợ, hầu hết các loại gạo đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg tùy loại. Theo các đầu mối bán lẻ, giá gạo sẽ được điều chỉnh tiếp trong thời gian tới. Bởi, gạo nhập về từ cuối tháng 7 đã bán gần hết, họ phải nhập lô mới. Trong khi, giá lúa gạo tại khu vực phía Nam vẫn đà tăng nên chắc chắn giá bán lẻ sẽ tăng theo.
Dữ liệu từ Vietfood cho thấy, sau sau 3 tuần liên tiếp (20/7-10/8) giá lúa gạo nội địa tăng mạnh từ 12-39,4% tùy loại, thì tuần mới nhất (10-17/8) giá hầu hết các mặt hàng này đều quay đầu giảm.
Cụ thể, giá bình quân lúa thường tại ruộng tăng 64 đồng/kg lên 7.850 đồng/kg. Trong khi lúa thường tại kho giảm 333 đồng/kg xuống mức 9.083 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 giảm 258 đồng/kg còn 14.667 đồng/kg; gạo 5% tấm giảm 148 đồng/kg về mức 14.486 đồng/kg; gạo 15% tấm và 25% tấm đều giảm 142 đồng/kg, lần lượt xuống còn 14.208 đồng/kg và 13.892 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia lúa gạo Võ Tòng Xuân cho rằng, giá cả sẽ theo quy luật cung - cầu trên thị trường. Khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh thì giá lúa gạo tại thị trường nội địa được điều chỉnh tăng theo là điều dễ hiểu và ngược lại.
Nhưng cần kiểm soát chặt để tránh đầu cơ, đẩy giá tại thị trường nội địa. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu
Vừa lập kỷ lục, ‘hạt ngọc Việt’ lại nhận tin xấu, nguy cơ hụt thu 700 triệu USD