Dân Nhật đổ xô mua gạo Việt Nam giữa cơn sốt giá kỷ lục, chuyện gì đang xảy ra?
Việt Nam có thể tận dụng việc giá gạo ở Nhật Bản đang duy trì đà tăng “chóng mặt” và “siêu cường” này có thể cần nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng này trong thời gian tới để có thêm những đơn hàng chất lượng.
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết hôm thứ Hai (28/4) rằng giá gạo tại các siêu thị nước này đã tăng tuần thứ 16 liên tiếp và đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc Chính phủ đã tung gạo từ kho dự trữ khẩn cấp ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá cả.
Dữ liệu cho thấy, trong tuần tính đến ngày 20/4 vừa qua, giá gạo trung bình tăng 3 yên so với tuần trước, lên mức 4.220 yên (hơn 771.000 đồng) cho mỗi bao 5kg.

Khi người tiêu dùng Nhật Bản đang vật lộn với giá gạo leo thang do lạm phát, Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba hồi tháng trước đã thực hiện bước đi chưa từng có là đưa gạo dự trữ ra thị trườngnhằm mục đích kiểm soát chi phí. Biện pháp này sẽ được duy trì hàng tháng cho đến tháng 7 năm nay.
>> Indonesia thẳng thừng từ chối bán gạo cho nước láng giềng Malaysia: Cơ hội vàng cho gạo Việt Nam
Khi giá gạo trong nước chưa có dấu hiệu giảm, các doanh nghiệp tư nhân đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều gạo nước ngoài hơn ngoài hạn ngạch miễn thuế của Nhật Bản, chấp nhận trả mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích là quá cao.
Theo tổng hợp của hãng thông tấn Reuters từ 3 nhà nhập khẩu gạo lớn, bao gồm Kanematsu và Shinmei, lượng nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực này của các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản dự kiến sẽ đạt ít nhất 45.000 tấn trong năm nay. Dữ liệu gần nhất cho thấy trong 11 tháng đầu của năm tài chính trước, lượng nhập khẩu tương tự chỉ đạt 1.500 tấn.
Tập đoàn thương mại Kanematsu tiết lộ với Reuters rằng họ đã tăng gấp đôi kế hoạch nhập khẩu ban đầu lên 20.000 tấn trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12 năm nay, chủ yếu là mua gạo từ Mỹ.
“Nếu giá cả tiếp tục tăng và nguồn cung trong nước vẫn thiếu hụt, chúng tôi có thể sẽ tăng thêm lượng nhập khẩu, tùy thuộc vào nhu cầu nội địa”, một người phát ngôn của Kanematsu cho biết.
Trong khi đó, doanh nghiệp chuyên bán buôn gạo Shinmei cho biết họ dự định nhập khẩu khoảng 20.000 tấn từ Mỹ vào khoảng tháng 7 cho đợt nhập khẩu gạo tư nhân đầu tiên. Một nhà bán buôn gạo khác từ chối nêu tên cho biết họ sẽ mua từ 4.000 - 5.000 tấn gạo nước ngoài trong năm nay.

Nhật Bản giới hạn lượng gạo nhập khẩu miễn thuế theo quy định “tiếp cận tối thiểu” ở mức 100.000 tấn mỗi năm theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tương đương khoảng 1% tổng mức tiêu thụ.
Ông Takashi Takanashi, Giám đốc Công ty Spice House, một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản chuyên kinh doanh bán buôn thực phẩm nhập khẩu cho các nhà hàng và nhà bán lẻ cho biết công ty của ông đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu về gạo Việt Nam.
Trong số các loại gạo nhập khẩu tại Nhật Bản, gạo Việt Nam đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ những điểm tương đồng với gạo Nhật.
Tại một cửa hàng liên kết với công ty, gạo Japonica sản xuất tại Việt Nam được bán với giá 3.240 yên (hơn 592.000 đồng) cho mỗi bao 5 kg, đã bao gồm thuế. Trong khi đó, cùng một lượng gạo sản xuất trong nước ở Nhật Bản có giá khoảng 4.000 yên (hơn 731.000 đồng). Gạo Japonica, đặc trưng bởi hạt nhỏ và ngắn, là giống gạo phổ biến nhất tại Nhật Bản.
Ông Takanashi cho biết gạo Việt Nam có hình thức và hương vị rất giống với các giống gạo Nhật.
Công ty Spice House bắt đầu bán gạo Việt Nam từ năm 2024. Vào tháng 10 năm ngoái, công ty này đã nhập khẩu lô hàng đầu tiên với sản lượng 200 tấn, nhắm đến cả khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống có nhu cầu mua số lượng lớn. Do nhu cầu mạnh mẽ, lượng hàng tồn kho của công ty gần như đã cạn kiệt, buộc họ phải tạm thời giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một túi.
Giá gạo tăng mạnh đã khiến giá gạo đóng gói 5 kg thường xuyên vượt mức 4.000 yên. Đây là mức tăng đáng kể so với năm ngoái, khi người tiêu dùng có thể mua cùng lượng gạo với giá khoảng 1.500 yên. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhu cầu đối với gạo nhập khẩu có giá cả phải chăng hơn đang ngày càng gia tăng.
Gạo Việt Nam đã dần chiếm được thị phần trong cuộc khủng hoảng giá gạo này. Mặc dù phải chịu mức thuế nhập khẩu tư nhân là 341 yên (hơn 62.000 đồng) mỗi kg, gạo Việt Nam vẫn có giá rẻ hơn so với các giống gạo nội địa của Nhật Bản như Koshihikari, vốn được bán với giá khoảng 800 yên (hơn 146.000 đồng) mỗi kg.
Theo Reuters
FPT bắt tay với ông lớn Sumitomo, Nvidia xây nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Chủ tịch nước Lương Cường mời Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sớm thăm Việt Nam