Xanh SM liên tục gia tăng thị phần, Grab tung 'vũ khí' mới quyết tâm giành lại vị thế
Với các chiến lược bài bản, liệu Grab có thể giành lại thị phần và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường gọi xe tại Việt Nam?
Thị trường gọi xe Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua khốc liệt tranh giành thị phần. Trong năm qua, nhiều tên tuổi lớn như Gojek, Beamin đã phải rút lui, trong khi các hãng taxi truyền thống đứng trước sức ép lớn, dần "thoái trào".
Tuy nhiên, thị trường gọi xe lại đang được "hâm nóng" với sự xuất hiện của tân binh như Bolt, hay những chiến lược mới từ các ông lớn Grab và Xanh SM.
Sự phát triển nhanh chóng của Xanh SM đang tạo áp lực lớn lên Grab - "người chơi" kỳ cựu và duy trì sự thống trị thị trường gọi xe tại Việt Nam trong những năm qua.
Cục diện thị trường gọi xe tại Việt Nam
Grab gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 và nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế số 1 trong ngành gọi xe công nghệ. Giai đoạn 2018, thị trường trở nên sôi động với sự gia nhập của nhiều cái tên như Gojek, Be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, MLV... Tuy nhiên, sau vài năm, phần lớn các đối thủ nhỏ dần mờ nhạt hoặc biến mất.
Gojek rút lui, thị trường gọi xe Việt Nam hiện còn 3 "ông lớn" là Grab, Xanh SM và Be |
Là đối thủ mạnh từ Indonesia, Gojek từng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, hãng thông báo đóng cửa hoạt động tại Việt Nam sau 6 năm do áp lực cạnh tranh lớn và chiến lược tái định vị tập đoàn.
Trong nước, từ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam, hãng taxi truyền thống Vinasun (VNS) cũng đang rơi vào tình cảnh lao đao vì cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ và sự vươn lên mạnh mẽ của xu hướng xe điện.
Xanh SM liên tục gia tăng thị phần, "phả hơi nóng" vào Grab
Tới nay, thị trường chỉ còn duy trì ba thương hiệu lớn là Grab, Be và Xanh SM. Theo báo cáo “The Connected Consumer quý II/2024” của Decision Lab, Grab vẫn dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam ở tất cả các độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 ngay sau Grab dù “sinh sau đẻ muộn”.
Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 ngay sau Grab dù “sinh sau đẻ muộn”. |
Báo cáo mới đây của Q&Me cũng cho biết Xanh SM đã vượt qua Grab, trở thành thương hiệu dẫn đầu về mức độ hài lòng của khách hàng tại Việt Nam. Cụ thể, 83% người dùng hài lòng với dịch vụ ô tô điện của Xanh SM, vượt Grab (80%) và Be (68%). Tỷ lệ khách hàng sẵn sàng giới thiệu dịch vụ Xanh SM đạt mức cao nhất với 84% cho taxi điện và 77% cho xe máy điện. Đồng thời, thương hiệu gọi xe này cũng dẫn đầu về mức chi tiêu trung bình hàng tháng của khách hàng, cao hơn Grab và Be lần lượt 14,8% và 23,5%.
Xanh SM được sáng lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào năm 2023. Tận dụng tiềm lực tài chính và sự hỗ trợ từ hệ sinh thái Vingroup (VIC) cùng lợi thế lớn nhất từ VinFast, Xanh SM nhanh chóng mở rộng đội xe thuần điện và liên tục thành công trong việc chinh phục các phân khúc khách hàng. Không chỉ tại Việt Nam, Xanh SM mới đây cũng đã mở rộng hoạt động tại Indonesia, một trong những thị trường lớn của Grab.
Grab tung chiến lược mới: Hợp tác với BYD mua 50.000 xe điện
Trong bối cảnh đó, Grab mới đây công bố kế hoạch hợp tác với BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc nhằm cung cấp cho tài xế Grab quyền mua 50.000 xe điện BYD với mức giá ưu đãi. Quan hệ hợp tác này trải dài tại các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, tài xế Grab sẽ được tùy chọn mua xe điện với giá ưu đãi, thuê xe từ các đội xe Grab hoặc nhận hỗ trợ tài chính thông qua chương trình sở hữu ô tô của ứng dụng.
Grab kỳ vọng rằng động thái này sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, giúp tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu và tăng thêm lợi ích kinh tế. Đây cũng là bước đi quan trọng để Grab củng cố vị thế tại khu vực và giành lại thị phần từ Xanh SM.
Grab công bố kế hoạch hợp tác với BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc nhằm cung cấp cho tài xế Grab quyền mua 50.000 xe điện BYD |
Bên cạnh việc triển khai thêm 50.000 xe điện cho các đối tác tài xế, Grab đang triển khai chiến lược tập trung vào ba lĩnh vực trọng điểm tại Việt Nam.
- Tăng cường năng lực kinh tế cho ngày càng nhiều người dân theo nhiều cách khác nhau thông qua chuyển đổi số : Grab đặt mục tiêu đẩy nhanh các sáng kiến chuyển đổi số toàn diện bằng cách mở rộng dịch vụ đến đến các tỉnh, thành còn chưa được phục vụ đầy đủ. Đồng thời chú trọng phổ biến kiến thức số, đào tạo kỹ năng số cho đối tác và cộng đồng thông qua các hợp tác công – tư.
- Trở thành động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các thành thị: Grab đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan ban ngành để triển khai giải pháp di chuyển chặng đầu - chặng cuối. Đẩy mạnh các dự án trồng rừng, giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng phương tiện xanh.
- Triển khai công nghệ mới đột phá ở quy mô lớn: Grab là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học dữ liệu tại khu vực Đông Nam Á, với hơn 1.000 mô hình AI/ML – một trong những con số cao nhất trong khu vực. Là một phần trong mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam, Grab có kế hoạch mở rộng năng lực R&D tại Việt Nam, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển các tài năng công nghệ Việt.
Với các chiến lược bài bản, liệu Grab có thể giành lại thị phần và củng cố vị thế dẫn đầu, hay Xanh SM sẽ tiếp tục khẳng định mình là người tiên phong, thống trị cuộc đua vận tải xanh tại Việt Nam? Thời gian sẽ trả lời, nhưng chắc chắn thị trường gọi xe sẽ còn nhiều diễn biến hấp dẫn trong thời gian tới.
>>Sở hữu lợi thế độc quyền, Xanh SM có cơ hội chiếm số 1 về thị phần tại Việt Nam