Vĩ mô

Xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 để bầu cử sớm

Trần Thường 04/05/2025 17:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 để bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa mới.

Chiều nay, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.

Tại phiên họp 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về sửa luật bầu cử cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xác định ngày bầu cử.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Thông lệ, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc vào tháng 1 thì công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức là có 4 tháng để tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

z6567116900675_7121630040f3009f6485f63ad2874465.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy.

Theo bà Thủy, "thời gian 4 tháng là khá dài". Việc thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước, gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND lần tới tiến hành gần nhất có thể sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc.

Bà Thủy cho rằng quy trình như trên sẽ thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, luật bầu cử được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, nhiều nội dung trong nghị quyết gắn chặt với các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Nghị quyết 66 nêu rõ yêu cầu các mục tiêu trong năm 2025, 2027, 2028.

Đây là những mục tiêu cụ thể và đặt ra yêu cầu cho Chính phủ, Quốc hội và toàn hệ thống chính trị cần phải nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế.

Trước câu hỏi về "bao nhiêu điểm nghẽn cần phải tháo gỡ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ, Chính phủ và Quốc hội luôn nhận thức rõ tình trạng trong hệ thống pháp luật có nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, cần phải có những giải pháp để khắc phục.

Bà Thủy cho biết, đây không phải là vấn đề mới, ngay từ cuối nhiệm kỳ khóa 14 thì Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để đề xuất những nội dung cần được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung. Tại các kỳ họp Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật luôn là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Quốc hội.

Cũng theo bà Thuỷ, kỳ họp thứ 9 tới đây "cũng không đi ngoài tinh thần đó". Ngoài sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 2013, kỳ họp sẽ xem xét thông qua 34 dự án luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật. Đây không phải là số luật sẽ được sửa đổi, bổ sung mà trong các dự án luật có nhiều Luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật... Vì vậy đây chưa phải là con số cuối cùng.

Bà nhấn mạnh đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử và có khối lượng công tác lập pháp lớn chưa từng có, thời gian họp cũng rất dài.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày mai và dự kiến bế mạc ngày 30/6, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 5/5 đến 29/5 và đợt 2 từ 11/6 đến 30/6.
Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

>> Sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa mới vào ngày 15/3/2026

Hé lộ ứng viên tiềm năng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc

Hàn Quốc chính thức ấn định thời điểm bầu cử Tổng thống tiếp theo

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xem-xet-rut-ngan-3-thang-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-15-de-bau-cu-som-2397531.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 để bầu cử sớm
    POWERED BY ONECMS & INTECH