Dự báo về xu hướng thị trường phiên 21/9/2021, Chứng khoán KBSV nhận định, áp lực từ vùng cản gần quanh 1.360 có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên đà tăng điểm của VN-Index khiến rủi ro điều chỉnh thêm vẫn còn hiện hữu. Mặc dù vậy, cơ hội duy trì xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là quanh 1.340 và sâu hơn là 1.320 điểm.
Tổng quan phiên 20/9:
VN-Index có phiên sáng ngày 20/9/2021 lạc quan sau khi phá mức kháng cự ngắn hạn và tăng hơn 8 điểm ở đầu phiên. Mức tăng này được giữ vững cho tới hết phiên sáng với độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua.
Sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục nới rộng những điểm tăng từ phiên sáng và có thời điểm tăng hơn 13 điểm. Tuy nhiên, sau 13h30 chiều, VN-Index bất ngờ đảo chiều lao dốc và đánh mất tất cả những điểm tăng trước đó. Kết phiên giao dịch ngày, VN-Index bất ngờ giảm nhẹ 2,16 điểm dù dành phần lớn thời gian trong phiên giao dịch trong sắc xanh thích cực.
Trái ngược sắc đỏ của VN-Index, VN30-Index vẫn giữ được cho mình được hơn 3 điểm tăng. Bên mua và bên bán khá cân bằng trong phiên với 13 mã tăng giá, 2 mã tham chiếu và 15 mã giảm giá. Dẫn đầu đà tăng của VN-Index là PDR, VCB và VNM, cả 3 cổ phiếu này tăng mạnh hơn 2%.
Ở chiều giảm giá, GAS và GVR giảm mạnh nhất rổ với mức giảm lần lượt là 3.4% và 3%.
VCB, VNM, VIB và TCB là 4 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index với tổng cộng hơn 5 điểm tăng. Ngược lại, GAS, GVR và VHM cũng không kém cạnh khi kéo thị trường đi xuống hơn 3 điểm giảm.
Ngành ngân hàng giao dịch rất tích cực trong phiên 20/9/2021 khi tăng 1,39%. Trong nhóm này có tới 16 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá. Cổ phiếu đầu ngành như VCB, TCB, VPB hay CTG đều đồng loạt tăng quanh mức 1 - 2% trong đó thông tin VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 45.000 tỷ đồng đã có những tác động tích cực phần nào lên diễn biến giá của cổ phiếu này. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn như SHB, SSB, STB hay HDB cũng kết phiên giao dịch trong sắc xanh.
Các cổ phiếu sản phẩm cao su là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường, với mức giảm hơn 4%. Cổ phiếu DRC sụt giảm mạnh gần 6%, CSM giảm gần 2%, SRC hay BRC cũng chìm trong sắc đỏ.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,16 điểm (-0,16%) xuống 1.350,48 điểm; toàn sàn có 197 mã tăng, 234 mã giảm và 29 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,25%) lên 358,87 điểm; toàn sàn có 132 mã tăng, 112 mã giảm và 43 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,05 điểm (0,05%) lên 97,45 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29.250 tỷ đồng - giảm nhẹ 2,6% trong đó giá trị khớp lệnh trên HOSE cũng giảm 3,2% xuống 22.927 tỷ đồng.
Điểm sáng thị trường bất ngờ đến từ khối ngoại khi họ giao dịch mua ròng 30 tỷ đồng trên cả 3 sàn; tính riêng trên sàn HOSE đã mua ròng hơn 56 tỷ đồng. Trong đó mã cổ phiếu VCB được mua ròng mạnh nhất trong khi VIC tiếp tục bị nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh.
Nhận định phiên 21/9:
CTCK Asean (Aseansc): Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ cho VN-Index
Dự báo trong phiên giao dịch 21/9, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.345 - 1.350 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.335 - 1.340 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ vừa dạng ‘Shooting star’ tại dải ‘Bollinger band’ trên, kèm thanh khoản ở mức cao, đây là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và đà tăng đang tạm thời chững lại. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.345 - 1.350 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.335- 1.340 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.355 - 1.360 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.365 - 1.370 điểm.
Chứng khoán BIDV (BSC): Phiên điều chỉnh nhẹ không quá nghiêm trọng
Thị trường mở cửa với sắc xanh nhưng đã đảo chiều giảm điểm nhẹ vào cuối phiên chiều. Dòng tiền đầu tư thu hẹp vào nhóm ngân hàng khi chỉ có nhóm này vận động khả quan so với phiên trước. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản không đổi so với phiên trước.
Trong khi đó, khối ngoại mua ròng tại sàn HOSE và bán ròng tại sàn HNX. Phiên điều chỉnh nhẹ hôm nay chưa có tác động mạnh lên xu hướng tăng điểm của thị trường về ngưỡng 1.380 khi dòng tiền khối nội vẫn đang duy trì ở mức ổn định.
CTCK MB (MBS): Thanh khoản thị trường đã trở lại
MBS cho rằng, việc thị trường điều chỉnh cuối phiên 20/9 có thể đến từ áp lực giảm từ thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là thanh khoản thị trường đã tăng trở lại và dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Canh mua ở các phiên hồi kỹ thuật
SHS đánh giá phiên giao dịch đầu tuần 20/9 đã diễn ra với diễn biến tương đối kịch tính, nhất là về cuối phiên khi áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index kết phiên dưới ngưỡng tham chiếu. Rất may là chỉ số vẫn giữ được ngưỡng 1.350 điểm nên khả năng hồi phục trong phiên tiếp theo được đánh giá cao hơn.
Dự báo, trong phiên giao dịch 21/9, VN-Index có thể hồi phục để hướng đến vùng kháng cự trong khoảng 1.375 - 1.380 điểm (đỉnh sóng b) nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.350 điểm được giữ vững.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu
KBSV nhận định, áp lực từ vùng cản gần quanh 1.360 có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên đà tăng điểm của VN-Index khiến rủi ro điều chỉnh thêm vẫn còn hiện hữu. Mặc dù vậy, cơ hội duy trì xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý là quanh 1.340 và sâu hơn là 1.320 điểm.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì vị thế trung hạn và có thể linh hoạt trải lệnh mua trở lại 1 phần vị thế trading khi chỉ số quay xuống các vùng hỗ trợ đã đề cập.
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Chốt lời một phần
Yuanta cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy trong vài phiên tới đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt hoàn toàn ngưỡng 1.355 điểm và hướng về mức kháng cự kế tiếp 1.380 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn đã gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng.
Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có chiều hướng gia tăng cho thấy chỉ số VNSmallcaps có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục, tức là có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tăng dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cá nhân trong nước quay lại gom cổ phiếu HPG, VIC phiên thị trường điều chỉnh
Phiên 21/9: VN-Index tiếp tục giảm điểm, dòng tiền khối ngoại đảo chiều