Doanh nghiệp

Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng 'ấm trở lại' vào quý 2

Khúc Văn 22/01/2024 - 13:07

Dù còn nhiều khó khăn bủa vây, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tình hình thị trường xuất khẩu sẽ tích cực trở lại vào năm nay.

Năm 2023 là năm tình hình kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Những bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… cầu giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

Song, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến một năm 2024 cùng hy vọng phục hồi, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường, bởi lẽ chưa năm nào dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy, với 104 thị trường.

Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng 'ấm trở lại' vào quý 2
Ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi.

Năm 2023 với các dự báo đều bị đảo chiều

Nhìn lại bức tranh ngành dệt may năm vừa qua, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử hình thành tập đoàn, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành thì cũng không đến nỗi khó như năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm gần 10%, thậm chí nhiều đơn vị dệt may khó khăn kéo dài 18 tháng.

“Dự báo thị trường dệt may đã được Tập đoàn đưa ra ngay từ đầu năm 2023 với nhiều kịch bản để có giải pháp ứng phó, nhưng tất cả những dự báo đều nhanh chóng đảo chiều, không nghĩ kịch bản xấu nhất lại diễn ra, liên tiếp gia tăng các diễn biến bất ổn của thị trường”, ông Hiếu cho biết.

>>Tập đoàn Trung Quốc xây nhà máy tại Nam Định: Doanh thu 2,5 tỷ USD, đối tác của Uniqlo, Victoria Secret

Năm 2023 tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%.

Không chỉ đơn giá hàng giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10–14 ngày, trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với hàng FOB… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với tinh thần “Kiên cường- dũng cảm- sáng tạo- đoàn kết”, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng.

Vì vậy, năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. “Kết quả năm 2023 so với năm 2022 tương đối thấp, mặc dù vẫn đạt lợi nhuận nhưng không như mong muốn và kỳ vọng của Tập đoàn”, ông Hiếu nói.

Sang năm 2024, theo nhận định của Vinatex, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Trong đó, tại thị trường Mỹ, với tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước,… nên các đơn hàng có khả năng sẽ quay lại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, với việc cố gắng duy trì doanh thu và giảm lợi nhuận để giữ chân 62.000 lao động, kỳ vọng tình hình thị trường xuất khẩu sẽ tích cực trở lại vào quý 2 năm nay.

Nắm bắt cơ hội, chủ động thích ứng với yêu cầu mới

Mặc dù còn nhiều khó khăn bủa vây, nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, theo quy luật, sau thời gian giảm chi tiêu, các thị trường sẽ dần phục hồi, người dân sẽ có nhu cầu mua sắm trở lại. Đây là cơ hội để doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, ngành dệt may cũng tăng trưởng.

Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng 'ấm trở lại' vào quý 2
Cầu giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may

Đồng thời, theo ông Hồng, để có đơn hàng trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh hơn về giá, chất lượng... Đặc biệt, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng phải làm những đơn hàng nhỏ, lợi nhuận không cao để duy trì sản xuất.

>>Vinatex (VGT) chi gần 1.000 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động

Là một trong số ít những doanh nghiệp tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra với 21%, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho rằng, chính yếu tố doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giúp công ty có lợi thế linh hoạt, chủ động chuyển đổi, thay đổi bộ máy, phương án, chiến lược kinh doanh lúc khó khăn.

Theo ông Quang Anh, nhờ kinh nghiệm thời dịch Covid-19, Dony phải chuyển đổi số, làm việc online nhiều hơn, đa nhiệm hơn để tối ưu công việc. Bộ máy nhân sự đã giảm khoảng 40%, nhưng hiệu quả không thay đổi, góp phần giúp giảm được giá thành, có giá cả cạnh tranh nên vẫn có đơn hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi dần từ làm thuần gia công chỉ cắt và may sang cải tiến bộ máy làm những đơn hàng nhỏ nhưng khó, cầu kỳ và có giá hơn, đồng thời phục vụ đa dạng nhóm khách hàng...

Cũng theo ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Vinatex thông tin, thời gian gần đây các doanh nghiệp đã nhận được các đơn hàng tích cực hơn. Tuy nhiên, do đơn giá còn rất thấp, mức giảm trung bình 30%, cá biệt có nơi 50%, nên doanh nghiệp sẽ có lựa chọn ưu tiên.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc nhận đơn hàng ngắn ngày nhưng có giá tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động thay vì nhận các đơn hàng lớn kéo dài từ 3-6 tháng với giá thấp.

Cùng với việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ có đơn giá cao hơn để cạnh tranh, nhiều đơn vị của Vinatex cũng tập trung đầu tư để thực hiện chuyển đổi, "xanh hóa" ngành dệt may.

Theo ông Hiếu, chiến lược "xanh hóa" đã được tập đoàn đưa ra từ 10 năm trước, nên đã có nhiều nhà máy lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời với hơn 25 triệu kWh trong năm 2023.

Các doanh nghiệp dệt may cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về xanh hóa của các thị trường tiêu thụ lớn như thuế biến đổi carbon, yêu cầu về phát triển bền vững, thẩm định chuỗi cung ứng...

"Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra là kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất - phân phối lớn trên thế giới. Xây dựng tập đoàn với định hướng là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh. Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG) và có những dự báo về thị trường để có giải pháp thích ứng linh hoạt với biến đổi của thị trường", ông Hiếu cho hay.

>>'Đại gia' Trung Quốc muốn rót 200 triệu USD xây dựng dự án may mặc tại Nam Định

Các nước đua nhau dựng ‘rào cản’: Xuất khẩu nông sản ‘ăn xổi’ dễ bị cấm cửa

Nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Romania

Việt Nam đề nghị EU sớm phê chuẩn EVIPA, gỡ thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-det-may-duoc-ky-vong-am-tro-lai-vao-quy-2-220760.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng 'ấm trở lại' vào quý 2
POWERED BY ONECMS & INTECH