Xã hội

Xuất khẩu vượt 'hàng rào xanh'

Tienphong.vn 22/04/2025 21:49

Đầu tư vào sản xuất sản phẩm xanh có thể giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thuế quan leo thang

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Bình Dương. Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, chỉ từ ngày 5 đến 8-4, tỉnh này đã ghi nhận 44 tờ khai bị hủy với trị giá hơn 708 triệu USD và 273 đơn hàng xuất khẩu bị hủy hoặc tạm dừng.

Niềm tin, sự minh bạch được định giá cao

Thực tế trên đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh cơ cấu thị trường, tận dụng tối đa những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường tiếp tục là giải pháp quan trọng trong bối cảnh mới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nêu rõ các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, ASEAN... là trụ cột trong chiến lược xuất khẩu của ngành năm nay. Trong đó, sự khắt khe của thị trường châu Âu về các tiêu chí xanh sẽ vừa là áp lực vừa là động lực để DN chủ động nâng cao năng lực sản xuất, củng cố liên kết chuỗi.

Tại talkshow trực tuyến với chủ đề "Rào cản thuế quan Mỹ: Những gợi mở từ tham tán thương mại" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, cho rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn mà các tiêu chuẩn trở thành hàng rào mới. Từ tiêu chuẩn REACH - quy định về hóa chất đến CBAM - cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, EUDR - quy định sản phẩm không gây mất rừng và sắp tới là CS3D - chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng bền vững... đều đang tạo nên một cấu trúc thương mại mới.

"Niềm tin, sự minh bạch và tính bền vững là những giá trị được định giá ngày càng cao. Việt Nam có cơ hội, nhưng không thể bước vào cuộc chơi này với tâm thế của một nền kinh tế chỉ biết gia công giá rẻ. Chúng ta cần xuất khẩu sản phẩm cùng trách nhiệm với môi trường, người lao động và người tiêu dùng toàn cầu" - bà Thúy lưu ý.

Xuất khẩu vượt 'hàng rào xanh' ảnh 1
Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công CP Thực phẩm Sao Ta.

Một thị trường "ngách" mà DN Việt Nam có thể tận dụng là thị trường Halal, với quy mô toàn cầu khoảng 3.000 tỉ USD. Ở Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại đây, thông tin quy mô thị trường Halal hiện nay được định giá khoảng 1,5 tỉ USD; dự kiến đạt lần lượt 2 tỉ USD và 2,2 tỉ USD vào năm 2025, 2030.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, sản phẩm Halal xuất khẩu vào thị trường này phải được cấp chứng chỉ bởi các cơ quan liên quan có uy tín và được công nhận. Riêng thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Quy định về Thực phẩm và Dược phẩm (FDR) và Luật Về thực phẩm an toàn cho người Canada (SFCR). Bên cạnh đó, mỗi tỉnh bang ở Canada có thể có thêm quy định bổ sung đối với thực phẩm, chủ yếu liên quan vệ sinh dịch tễ, bao bì và ngôn ngữ. Gần đây, các tỉnh bang có thêm quy định về yêu cầu tái chế nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030.

Thay đổi tư duy

Ông Vũ Đức Giang khuyến nghị các DN trong ngành dệt may cần đẩy nhanh đầu tư vào ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường bền vững, gồm môi trường - xã hội - quản trị) và chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng xanh. Đây không chỉ là xu thế mà sẽ trở thành "giấy thông hành" giúp DN giữ chân đối tác lớn, vượt qua các rào cản kỹ thuật và thuế quan ngày càng nghiêm ngặt.

"Ngành dệt may không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống để trụ vững sau các cú sốc từ bên ngoài mà cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng làm chủ thương hiệu, đăng ký bản quyền, phát triển nhãn hiệu hàng Việt gắn với tiêu chí xanh" - Chủ tịch VITAS nhấn mạnh.

Với ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công CP Thực phẩm Sao Ta, cũng thừa nhận chuyển đổi xanh là đòi hỏi của khách hàng và là động lực để DN vươn lên, tăng sức cạnh tranh và có đơn hàng bền vững bất chấp biến động thương mại toàn cầu. Theo ông Lực, khi chuyển đổi xanh, DN cần quan tâm kiểm soát, giảm thiểu và cân bằng phát thải carbon theo lộ trình mà Chính phủ đã cam kết.

"Chuyển đổi xanh là bắt đầu thực hiện những cách làm mới nên chắc chắn sẽ khó khăn, tốn kém chi phí, nguồn lực. Chúng tôi mong muốn Chính phủ hỗ trợ, đồng hành trong tiến trình này" - ông Lực bày tỏ.

Dưới góc nhìn của tham tán thương mại, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng đầu tư vào các sản phẩm công nghệ xanh không chỉ giúp DN mở rộng thị trường mà còn đi trước xu thế. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp bán thành phẩm và nguyên liệu xanh đáng tin cậy, ví dụ cung cấp gỗ tái chế, vải tái chế, linh kiện điện tử cho các trung tâm sản xuất đang giữ vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng khu vực. Qua đó, chúng ta có thể trở thành mắt xích ESG trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Châu Âu đang hình thành một thị trường nơi mà trách nhiệm được đo đếm và kiểm chứng. DN Việt nếu minh bạch chuỗi cung ứng, số hóa quản trị, cải thiện điều kiện lao động và công bố thông tin có trách nhiệm thì có thể nâng tầm vị thế, trở thành đối tác chiến lược của các chuỗi giá trị toàn cầu có trách nhiệm" - bà Thúy gợi ý.

Nhiều ngành chịu tác động bởi ESG

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu, lưu ý các nhóm sản phẩm điện tử, nông sản, thực phẩm (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, ca cao, thịt...), dệt may sẽ chịu tác động mạnh ở thị trường châu Âu bởi các quy định, tiêu chuẩn xanh. Bên cạnh đó còn có các ngành sản xuất tạo nhiều carbon như sản phẩm vật liệu xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng) và bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất...).

"Các sản phẩm điện tử phải được thiết kế để dễ dàng sửa chữa và tái chế, trong khi nông sản phải được trồng theo phương pháp hữu cơ và không sử dụng hóa chất độc hại" - ông Quân lưu ý DN trong nước.

>>Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD?

Loạt doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chia sẻ bí quyết ứng phó trước tác động của thuế đối ứng

Không xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp dệt may 92 nhân sự bất ngờ có lãi, P/E chỉ 6,3 lần

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/xuat-khau-vuot-hang-rao-xanh-post1736105.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu vượt 'hàng rào xanh'
    POWERED BY ONECMS & INTECH