Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán lẻ.
Tại Công văn 7048/VPCP-KTTH ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Trước đó để kịp thời có những giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu, chấn chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong công tác dự trữ xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và các kiến nghị của doanh nghiệp với nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và kiểm tra Tổng kho Xăng dầu Đức Giang và Nhà Bè.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời chấn chỉnh, xốc lại tổng thể các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ Tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống của mình.
Bên cạnh đó, ngày 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Để đảm bảo việc cung ứng mặt hàng quan trọng này, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá đúng thực trạng hiện nay trong việc cung ứng xăng dầu; khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu mối và đưa ra những kiến nghị giải pháp phù hợp để xử lý tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Bởi vì, các doanh nghiệp đầu mối là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung, vai trò của các doanh nghiệp đầu mối rất quan trọng.
Tiếp sau các cuộc làm việc với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong ngày 18/10/2022, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.