Thế giới

Yếu tố chính khiến Tổng thống Mỹ Trump hoãn thuế đối ứng

Bình Giang - Theo Washington Post, CNN 10/04/2025 - 11:00

Khi các mức thuế đối ứng bắt đầu có hiệu lực vào sáng sớm 9/4, một hiện tượng đáng báo động hơn đã xảy ra.

Yếu tố chính khiến Tổng thống Mỹ Trump hoãn thuế đối ứng ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Trước khi Tổng thống Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, có rất nhiều lo ngại ông đang đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Những dấu hiệu ban đầu rất rõ ràng, với việc sa thải công nhân ô tô ở Indiana và Michigan, làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây và người Mỹ cắt giảm chi tiêu.

Khi các mức thuế đối ứng bắt đầu có hiệu lực vào sáng sớm 9/4, một hiện tượng đáng báo động hơn đã xảy ra: Sự hoảng loạn trên thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đây là điều không bình thường.

Thông thường, trái phiếu Chính phủ Mỹ là nơi trú ẩn an toàn. Bất cứ khi nào cổ phiếu lao dốc hoặc có biến động trên toàn thế giới, các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Loại hình đầu tư này được ví như món súp gà khi thị trường không lành mạnh. Nhưng đột nhiên, những trái phiếu đó không còn hấp dẫn.

Cuối cùng, Tổng thống Trump đã nhượng bộ thị trường trái phiếu. Ông dường như không muốn lặp lại sai lầm của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, người đã phải từ chức trong hỗn loạn vào năm 2022, sau một thảm họa tương tự trên thị trường trái phiếu để phản ứng với các chính sách mới của bà.

“Tôi đã cho phép TẠM DỪNG 90 ngày và thuế quan qua lại giảm đáng kể trong thời gian này, là 10%, có hiệu lực ngay lập tức”, ông Trump viết trong bài đăng trên mạng xã hội.

Cuối cùng thị trường có thể thở phào, nhưng vẫn còn nguy cơ Mỹ sẽ tăng thuế. Và sự hoảng loạn của thị trường trái phiếu cho thấy thiệt hại có thể lên đến mức nào. Có rất nhiều lý do khiến các nhà đầu tư (có thể bao gồm một số chính phủ nước ngoài) muốn bán trái phiếu.

Một số muốn chuyển sang đầu tư vào nơi khác trên thế giới, muốn từ bỏ trái phiếu để thu tiền về. Nhưng về bản chất, tất cả đều có suy nghĩ: Mỹ không còn là nơi chắc chắn nữa.

Đối với Mỹ, hậu quả của tất cả những điều này có thể rất lớn. Khi các nhà đầu tư bán trái phiếu, lợi suất (lãi suất) tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt 4,51%, tăng từ mức 3,9% vào đầu tuần này, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đã đạt đỉnh 5% trong thời gian ngắn.

Điều đó có nghĩa là lãi suất thế chấp có thể đạt đỉnh 7% và chi phí vay cho ô tô, doanh nghiệp… sẽ tăng vọt. Điều đó cũng có nghĩa là Chính phủ Mỹ sẽ phải trả chi phí lãi suất cao hơn.

"Cuộc khủng hoảng nhỏ sau 'Ngày giải phóng' đã chuyển sang mức độ nguy hiểm hơn chỉ sau 1 đêm với đợt bán tháo trái phiếu khá lớn. Nó sẽ gây áp lực lớn hơn nhiều lên chính quyền Mỹ so với một đợt bán tháo cổ phiếu", Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu tại Deutsche Bank, cho biết.

Yếu tố chính khiến Tổng thống Mỹ Trump hoãn thuế đối ứng ảnh 2
Biểu đồ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Trái phiếu Chính phủ Mỹ là trung tâm của hầu hết mọi thứ xảy ra trên thị trường. Nhiều khoản đầu tư trên khắp thế giới được định giá dựa trên mức độ rủi ro so với trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tổng thống Trump đã nâng mức thuế quan trung bình của Mỹ từ khoảng 2% lên 22,5%, mức cao nhất trong hơn 1 thế kỷ. Các nhà phân tích cho rằng điều này làm suy yếu vai trò nền tảng của Mỹ. Các nhà đầu tư sẽ cảnh giác khi đổ tiền vào trái phiếu Mỹ.

Kịch bản ngoài dự kiến

Dường như Nhà Trắng chưa chuẩn bị cho kịch bản này. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã ăn mừng khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp, và dự đoán điều này có thể thúc đẩy sự phục hồi của thị trường nhà ở khi lãi suất thế chấp giảm.

Nhưng đến ngày 9/4, ông Bessent phải xuất hiện trong chương trình của Fox Business để trấn an mọi người, rằng tình hình sẽ không biến thành khủng hoảng.

"Tôi tin rằng điều này không mang tính hệ thống. Tôi nghĩ đó là quá trình giảm đòn bẩy không dễ chịu nhưng bình thường trên thị trường trái phiếu", ông Bessent nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã lùi bước vào thời điểm này.

CNN dẫn 3 nguồn tin hiểu rõ vấn đề cho biết, mối lo ngại ngày càng gia tăng bên trong Bộ Tài chính về những diễn biến trên thị trường trái phiếu là yếu tố chính khiến ông Trump quyết định tạm dừng áp các mức thuế đối ứng.

Bộ trưởng Tài chính Bessent đã trực tiếp nêu mối lo ngại này với ông Trump trong ngày 9/4, trước khi nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra thông báo tạm dừng.

Các đồng minh chủ chốt của cộng đồng doanh nghiệp cũng gọi điện đến đội cố vấn cấp cao của Nhà Trắng để bày tỏ lo ngại về những diễn biến đáng lo ngại trên thị trường trái phiếu.

Chiều 9/4, Tổng thống Trump thừa nhận ông đã theo dõi chặt chẽ tình hình hỗn loạn của thị trường trái phiếu.

"Thị trường trái phiếu rất phức tạp, tôi đã theo dõi nó. Thị trường trái phiếu hiện tại rất đẹp. Nhưng đúng là tôi đã thấy đêm qua mọi người có chút lo lắng", ông Trump nói với các phóng viên.

Dù nhà lãnh đạo Mỹ đã hoãn lại mức thuế quan tồi tệ nhất, mức thuế trung bình vẫn ở mức cao, vượt quá khả năng xử lý của nhiều doanh nghiệp.

Theo một số nhà phân tích, còn quá sớm để nói rằng đây có phải là khởi đầu cho sự chấm dứt vai trò thống trị của đồng đô la Mỹ hay không.

>> Việt Nam được Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, mức thuế chỉ còn 10%

Việt Nam được Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, mức thuế chỉ còn 10%

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 10/4: Ông Trump tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày với hơn 75 nước 'không trả đũa'

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/yeu-to-chinh-khien-tong-thong-my-trump-hoan-thue-doi-ung-post1732422.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Yếu tố chính khiến Tổng thống Mỹ Trump hoãn thuế đối ứng
    POWERED BY ONECMS & INTECH