100 doanh nghiệp cùng ngồi họp, tìm đường đưa hàng Việt sang thị trường 1,46 tỷ dân
Thị trường hơn 1,46 tỷ dân tiếp tục thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Việt, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Theo TTXVN, chiều 25/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Chiến lược mở cửa thị trường Ấn Độ: Hướng dẫn thành lập pháp nhân tại Ấn Độ cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Sự kiện này đã góp phần tháo gỡ một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó là việc tiếp cận và thiết lập sự hiện diện pháp lý tại thị trường này.
Hội thảo thu hút gần 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự, đến từ nhiều lĩnh vực như thực phẩm, thủy sản, chế biến nông sản, thiết bị điện, đồ gỗ, logistics, du lịch và công nghệ.
![]() |
Ảnh minh hoạ: Sự kiện này đã góp phần tháo gỡ một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, cho biết: “Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với dân số hơn 1,46 tỷ người. Cùng với đà tăng trưởng ổn định, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và thương mại ngày càng lớn.
Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường thay thế, Ấn Độ nổi lên như một trung tâm sản xuất, tiêu thụ và trung chuyển mới của khu vực và thế giới”.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã chủ động đầu tư, mở văn phòng đại diện và thành lập pháp nhân tại Ấn Độ. Dù bước đầu gặp không ít khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính, song những kết quả tích cực đạt được cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc mở rộng thị trường và tiếp cận đối tác, người tiêu dùng bản địa.
Trong phần trình bày chính tại hội thảo, ông Manan Agarwal – Giám đốc điều hành công ty tư vấn KrayMan Consultants LLP – đã cung cấp các hướng dẫn chuyên sâu về lựa chọn mô hình doanh nghiệp phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ.
Bên cạnh đó, ông cũng nêu quy trình thành lập pháp nhân, thời gian xử lý hồ sơ, các quy định về thuế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển lợi nhuận, thủ tục mở tài khoản ngân hàng và kê khai thuế định kỳ. Ông cũng nêu rõ những sai sót thường gặp và gợi ý cách tiếp cận phù hợp cho doanh nghiệp mới bước vào thị trường này.
Tại phần thảo luận, một số doanh nghiệp Việt chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi tự thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại Ấn Độ, có trường hợp kéo dài gần hai năm nhưng không đạt kết quả như mong muốn, dẫn đến lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Các đại biểu đều nhất trí rằng, việc thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp, am hiểu thị trường sở tại sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, đảm bảo tuân thủ pháp lý và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phát triển hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ và xe điện đã thành công trong việc mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ, góp phần tăng cường kết nối kinh tế giữa hai nước.
Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong quá trình thành lập pháp nhân, chủ yếu do sự khác biệt về pháp luật, quy định hành chính – thuế quan và rào cản ngôn ngữ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực tiếp cận thị trường Ấn Độ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý, kết nối đối tác và tổ chức hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.
>> 11 doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại tại Singapore
Thành phố giàu nhất Việt Nam 'kể tên' 4 lĩnh vực tiềm năng với các nhà đầu tư Trung Quốc
Một liên minh doanh nghiệp muốn chọn Khánh Hòa đầu tư tổ hợp Hydrogen – Amonia xanh 36.000 tỷ