Thành phố giàu nhất Việt Nam 'kể tên' 4 lĩnh vực tiềm năng với các nhà đầu tư Trung Quốc
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước.
Chiều 23/7, ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM đã tiếp ông Đường Lập, tân Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. HCM, đến chào ra mắt nhân dịp nhận nhiệm kỳ mới.
Hiện nay, Trung Quốc đứng thứ 16 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại TP. HCM, với hơn 1.000 dự án và tổng vốn đăng ký vượt 344 triệu USD. Theo ông Nguyễn Văn Được, sau khi sáp nhập, TP. HCM đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP. HCM đã đề xuất 4 lĩnh vực hợp tác tiềm năng để giới thiệu đến các nhà đầu tư Trung Quốc, gồm: Đường sắt đô thị, du lịch, logistics và cảng biển, công nghệ cao.
Đáp lại, Tổng Lãnh sự Đường Lập cảm ơn lãnh đạo Thành phố vì đã hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại đây, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, hợp tác du lịch, xây dựng đường sắt đô thị...
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: htv.com.vn |
>> EVN làm việc với ông lớn năng lượng Trung Quốc, tìm lời giải cho bài toán lưu trữ điện
Được biết theo kế hoạch, TP. HCM sẽ tập trung đầu tư đồng bộ và hoàn thiện 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km trong vòng 10 năm, từ nay đến năm 2035, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 40,2 tỷ USD.
Trong văn bản đề xuất kế hoạch triển khai, Sở Xây dựng đã lập ba nhóm công việc trọng tâm gắn với mốc thời gian cụ thể và trách nhiệm của từng Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan.
Sức hấp dẫn của thị trường đường sắt đô thị đã nhanh chóng thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn trong nước. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa có văn bản gửi đến UBND TP. HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP. HCM - Cần Giờ. Theo đó, VinSpeed (thành viên của Vingroup) sẽ đóng vai trò là đơn vị triển khai các dự án đường sắt do Tập đoàn đề xuất, trong đó có tuyến metro này.
UBND TP. HCM cũng đã thống nhất chủ trương cho phép Vingroup (VIC) nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo chỉ đạo, VIC sẽ tự cân đối kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan.
Tuyến metro TP. HCM - Cần Giờ lần đầu được nhắc đến trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Vingroup hồi tháng 1/2025. Khi đó, Thủ tướng chia sẻ: "Tôi đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng về việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP. HCM đến huyện Cần Giờ. Ông Vượng đồng tình và bày tỏ sự hứng thú với ý tưởng này".
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.
>> TP. HCM hỗ trợ gần 11.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp trong nửa đầu 2025