Doanh nghiệp

134 doanh nghiệp Nhà nước đã lỗ khoảng 4,6 tỷ USD trong năm ngoái

Quang Dương 09/10/2024 - 05:44

EVN là một trong những doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, với khoản lỗ 26.700 tỷ đồng trong năm 2023.

Tính đến cuối năm 2023, 134 doanh nghiệp có vốn Nhà nước ghi nhận lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,6 tỷ USD).

Thông tin trên được nêu trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của 671 doanh nghiệp Nhà nước năm 2023. Số này gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 đơn vị có trên 50% vốn Nhà nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, với khoản lỗ 26.700 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 29% so với mức lỗ của năm trước. Con số này còn cao hơn so với ước tính trước đó của Bộ Công Thương (17.000 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do tập đoàn phải huy động nguồn phát có giá cao, chi phí sản xuất gia tăng, trong khi giá bán lẻ điện vẫn chưa đủ để bù đắp.

134 doanh nghiệp Nhà nước đã lỗ khoảng 4,6 tỷ USD trong năm ngoái
EVN lỗ 26.700 tỷ đồng trong năm 2023

>> 'Mang chuông đi đánh xứ người', Viettel thu về hơn 71 triệu USD lợi nhuận

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa thể phục hồi sau những tổn thất do đại dịch Covid-19. Điển hình, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong hai năm (2022-2023). Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 8.377 tỷ đồng.

Năm 2023 cũng là một năm đầy khó khăn đối với ngành xi măng do sản lượng và giá bán giảm. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm, cùng với đó 6 công ty con và 2 đơn vị liên doanh sản xuất xi măng cũng chịu cảnh thua lỗ.

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp báo lãi trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu là các tập đoàn và tổng công ty. Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lãi trước thuế gần 56.400 tỷ đồng, trong khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lãi sau thuế 6.329 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hàng hải, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn – đơn vị khai thác cảng container lớn nhất Việt Nam – lãi 5.072 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) lãi trước thuế 46.331 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022. VNPT và Mobifone cũng báo lãi lần lượt 2.931 tỷ đồng và 1.958 tỷ đồng.

Do đó khi tính chung 671 doanh nghiệp Nhà nước, nhóm này vẫn lãi gần 211.200 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm khoảng 90% lợi nhuận, với mức lãi trên 188.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh đo bằng tỷ lệ lãi trước thuế trên vốn chủ sở hữu hay tổng tài sản, đều giảm so với năm trước đó.

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Năm 2023, các doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 365.500 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

>> Doanh nghiệp Nhà nước đang lãi/lỗ ra sao trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài?

Đề xuất cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, rót vốn vào lĩnh vực bất động sản

Chủ tịch Petrovietnam 'khoe' vốn chủ sở hữu chiếm gần 25% tổng vốn chủ của các doanh nghiệp Nhà nước

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/134-doanh-nghiep-nha-nuoc-da-lo-khoang-46-ty-usd-trong-nam-ngoai-252562.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    134 doanh nghiệp Nhà nước đã lỗ khoảng 4,6 tỷ USD trong năm ngoái
    POWERED BY ONECMS & INTECH