2 điểm mới trong lương hưu người dân nên nắm rõ để biết về quyền lợi của mình
Lao động khu vực nhà nước tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2025 sẽ hưởng lương hưu trên nền tiền lương của toàn bộ quá trình đóng.
Thuận lợi hơn khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng
Theo thông tin từ báo Lao động, từ tháng 8/2024, khoảng 97,25% đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH (tương đương khoảng 578.000 người) sẽ nhận tiền qua tài khoản cá nhân, trong khi hơn 16.100 người vẫn nhận tiền mặt.
Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, cho biết việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng mang lại nhiều lợi ích so với việc nhận tiền trực tiếp. Người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH không cần đến điểm tập trung để nhận tiền mà vẫn có thể lĩnh tiền một cách an toàn và chính xác. Thủ tục chuyển đổi từ hình thức nhận tiền trực tiếp sang nhận qua tài khoản rất đơn giản. Người hưởng lương hưu chỉ cần mang căn cước công dân đến ngân hàng để mở tài khoản, điền thông tin vào mẫu “Thông báo thay đổi thông tin người hưởng” và nộp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH địa phương.
Đặc biệt, người hưởng lương hưu sẽ được miễn phí mở tài khoản, phát hành thẻ ATM, đăng ký dịch vụ e-banking, thanh toán và chuyển tiền trực tuyến không dùng tiền mặt, đồng thời nhận tiền lãi ngân hàng khi chưa rút hết tiền lương hưu và trợ cấp hàng tháng trong tài khoản ATM.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là hầu hết người hưởng lương hưu và trợ cấp đều là người cao tuổi, có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và chưa hiểu rõ các tính năng của thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào cũng có mặt ở tất cả các huyện, xã, thôn, xóm, gây khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
Để khắc phục những vướng mắc này, BHXH TP Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt và nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần nâng cấp hạ tầng dịch vụ để thuận tiện hơn cho người dân.
Thay đổi cách tính lương hưu
Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mức lương hưu sẽ được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với lao động khu vực nhà nước thay vì chỉ tính bình quân các năm cuối. Cụ thể:
Trước năm 1995: Mức lương hưu tính dựa trên bình quân 5 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 1995-2000: Bình quân 6 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 2001-2006: Bình quân 8 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 2007-2015: Bình quân 10 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 2016-2019: Bình quân 15 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 2020-2024: Bình quân 20 năm cuối đóng BHXH.
Từ năm 2025 trở đi: Bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH.
Hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người trên 60 tuổi, trong đó khoảng 3,3 triệu người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Mặc dù người Việt có thể hưởng lương hưu tối đa lên tới 75% tiền lương đóng bảo hiểm, nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt khoảng 5,4 triệu đồng.
>>Điều kiện để người rút BHXH một lần vẫn có thể nhận lương hưu