Lãi lớn năm 2022, tới đây, 2 doanh nghiệp sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023 với số tiền dự chi hậu hĩnh.
CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (Mã SMB) thông báo ngày 18/7 sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023 tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu được nhận 2.500 đồng). Ngày thanh toán là 28/7/2023.
SMB hiện có vốn điều lệ khoảng 300 tỷ đồng - tương đương gần 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Theo đó, số tiền công ty dự kiến chia trả cho đợt cổ tức cuối tháng 7 này là gần 75 tỷ.
Tương tự ngày 19/7, CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã MCH) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2023 tỷ lệ 45% (1 cổ phiếu được nhận 4.500 đồng). Ngày thanh toán là 14/8.
Với hơn 727 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan Consumer dự chi khoảng 3.270 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Bia Sài Gòn - Miền Trung ghi nhận doanh thu 1.387 tỷ đồng và lãi ròng 185 tỷ (đều là các mức cao nhất sau 3 năm COVID). Theo đó, công ty đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền tổng tỷ lệ 35% vào các đợt tháng 9/2022 và tháng 2/2023. Như vậy, đợt cổ tức lần 1 năm nay đến sớm hơn cùng kỳ gần 2 tháng.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, SMB đặt mục tiêu 1.489 tỷ đồng doanh thu - mức tham vọng trong tình hình mới; lãi trước thuế chỉ ở mức 90 tỷ đồng (quý 1 đã thu về gần 20 tỷ).
Những năm gần đây, công ty con của Sabeco (Mã SAB) luôn đề ra các mức lợi nhuận mục tiêu khiên tốn song đến cuối năm đều vượt mạnh kế hoạch.
Với Masan Consumer, kết thúc năm 2022, công ty thành viên nhà Masan ghi nhận 27.178 tỷ đồng doanh thu và 5.533 tỷ lợi nhuận sau thuế - cao nhất lịch sử hoạt động. Tại thời điểm 31/12/2022, MCH có hơn 12.260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Sang năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 28.500 tỷ và 5.600 tỷ đồng - giảm 16% và tăng 2% so với kế hoạch năm trước.
Kết thúc quý 1, MCH ghi nhận 1.388 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - bằng 25% kế hoạch; doanh thu đạt 6.057 tỷ - bằng 21,2%.
Chia cổ tức hậu hĩnh năm 2023 dù mùa kinh doanh mới chỉ đi qua nửa chặng đường, có thể thấy bức tranh tài chính ở cả 2 doanh nghiệp trên là khá lành mạnh và tích cực. Tuy nhiên đây thực chất là các động thái "lại quả" cho công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại SMB và Masan ConsumerHoldings tại MCH đều ở mức trên 90%.
Cơ cấu cổ đông cô đặc là nguyên nhân khiến cả 2 cổ phiếu này có thanh khoản rất hạn chế trên thị trường.
Xem thêm: Chứng khoán tuần mới: Cổ phiếu HPG, SHB, DBC nối dài nhịp tăng, vốn hóa VCB vượt 500.000 tỷ?