Chứng khoán tuần 10 - 14/7, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đặc biệt đến chuyển động giá các cổ phiếu HPG, SHB, DBC, VCB, NVL, VND,... với những câu chuyện nổi bật.
Thị trường chứng khoán kết tuần 3 - 7/7 tăng 17,89 điểm (+1,6%) lên mức cao nhất tuần 1.138 điểm; HNX-Index giảm 1,5 điểm (-0,66%) xuống 225,8 điểm. Giá trị giao dịch trung bình trên HOSE đạt 15.524 tỷ đồng/phiên - giảm 6% so với tuần trước; thanh khoản sàn HNX đi ngang với 1.612 tỷ đồng/phiên.
Diễn biến VN-Index 1 tháng gần đây |
Kết thúc quý 2/2023, VN-Index tăng hơn 5% lên mức 1.120 điểm với thanh khoản cải thiện đáng kể. Sau 6 tháng, chỉ số tăng hơn 11%.
Chuyển động dòng tiền tại các nhóm ngành:
Phiên 7/7, dòng tiền đồng loạt tăng trở lại (cao hơn trung bình 5 phiên trước đó). Tâm điểm ở nhóm chứng khoán (+35,6%), dịch vụ bán lẻ (+40,1%), dầu khí (+24,6%), hóa chất (+20%), tài nguyên (+13,9%),... Đây cũng là những nhóm cổ phiếu chính tăng giá trong phiên đóng cửa tuần.
Giao dịch ở nhóm ngân hàng cũng cải thiện đáng kể đạt gần 2.200 tỷ đồng (+15%).
Ở chiều ngược lại, bất động sản dù vẫn là nhóm được giao dịch nhiều nhất thị trường song giá trị giao dịch lại giảm mạnh nhất với mức 13,8%. Điều này dễ dàng nhận thấy khi các mã trụ và một số cổ phiếu midcap điều chỉnh trong tuần như VIC, VHM, NVL, DIG, DXG, CEO, NLG, HQC,...
Top cổ phiếu tăng/giảm giá và câu chuyện:
Trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến thị trường, VCB giữ vai trò chủ lực ghi hồi trở lại đỉnh cũ 105.000 đồng/cp qua đó góp cho VN-Index 6,1 điểm tăng. 3 đại diện khác thuộc nhóm ngân hàng là BID, SSB, SHB góp cho chỉ số 3 điểm. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với mức tăng 5% cũng giúp VN-Index tăng 1,9 điểm.
Trên 2 sàn niêm yết, biến động giá các cổ phiếu đáng chú ý (xét theo khối lượng thanh khoản) không có nhiều đột biến.
Nhóm cổ phiếu APEC Group chỉ còn 2 đại diện góp mặt trong Top giảm là APS và IDJ. Sau 1 tháng, các mã này giảm từ 45 - 55% giá trị.
Cổ phiếu TTB sau thông tin bị đình chỉ giao dịch tiếp tục nối dài chuỗi bán mạnh từ tuần trước đó (phiên 6/7 thậm chí khớp lệnh đột biến gần 5,3 triệu đơn vị), thị giá rơi về mức 1.830 đồng/cp. Tình giữa tháng 6 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ đã bốc hơi 41%.
Cổ phiếu HPX nhận thêm quyết định đưa vào diện cảnh báo từ HOSE; cổ phiếu IBC của Apax Holdings sau thông tin cổ đông Egroup bị bán giải chấp thêm 5 triệu cổ phiếu đã thủng mốc 2.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, các mã DBC, VHC, PTB, NTP, GIL, DGW với dự phóng kế quả kinh doanh khả quan so với cùng kỳ lần lượt ghi nhận các mức tăng trên 10%. Nổi bật nhất là cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco khi đón nhận dòng tiền tăng mua.
Trong khi đó, các cổ phiếu tăng/giảm giá mạnh trên sàn UPCoM gần như thanh khoản không đáng kể.
Những cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất:
Cổ phiếu VCB với cây nến tăng mạnh phiên 7/7 đã kéo giá trở lại đỉnh cũ. Cuối tháng 7 này, Vietcombank sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 18,1%. Vốn điều lệ sau phát hành là 55.891 tỷ đồng - chỉ sau VPBank.
Tuần tới, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi mức kỷ lục mới của mã trụ lớn nhất thị trường. Chỉ cần tăng thêm 0,6%, vốn hóa VCB sẽ có lần đầu chạm mốc 500.000 tỷ đồng.
Điểm nhấn khác đến từ mức tăng của cổ phiếu SHB và SSB. Tới đây 2 nhà băng này cũng sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu. Công ty chứng khoán dự báo cả 2 sẽ được các quỹ ETF mua vào hàng chục triệu cổ phiếu khi lọt danh mục VN30 ngày 17/7 tới.
Riêng SHB, thông tin ngân hàng đang tìm đối tác có thể sở hữu tới 20% vốn cũng được quan tâm đặc biệt. Cổ phiếu SHB kết tuần tại mức 13.500 đồng/cp - cao nhất 10 tháng. Hơn 2 tháng qua, mã đã tăng gần 24%.
Trong khi đó, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland và PDR của Bất động sản Phát Đạt nhiều khả năng sẽ rời rổ VN30 khi không đáp ứng các điều kiện về vốn hóa/cổ phiếu bị cảnh báo trên HOSE.
Thanh khoản cổ phiếu NVL đã liên tục suy giảm trong 7 phiên gần nhất; thị giá trở về dưới mốc 15.000 đồng. Trong khi đó, cổ phiếu PDR đi ngang vùng 17.x gần 1 tháng qua. Khả năng giảm sâu của các bluechip bất động sản này là không cao khi cả 2 đều đã qua giai đoạn đỉnh điểm khó khăn, nhiều dự án cũng bắt đầu được tháo gỡ,...
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận chuỗi 6 phiên tăng giá liên tiếp và đóng phiên 7/7 tại mức 27.450 đồng/cp - cao nhất từ nửa cuối tháng 5/2022. Mã hiện đã tăng 30% kể từ đầu tháng 6. Cùng thời điểm, khối ngoại mua ròng hơn 97 triệu cổ phiếu HPG - giá trị tương ứng khoảng 2.370 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG 12 tháng qua |
Tháng 6 vừa qua, Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 540.000 tấn - giảm 4% so với cùng kỳ song là mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng trước, lần lượt đạt 30% và 69%. Bên cạnh đó, nhu cầu của các nhà máy sản xuất ống thép, tôn mạ tại thị trường miền Bắc và miền Trung tăng cao giúp sản lượng bán thép cuộn cán nóng (HRC) cải thiện đáng kể trong tháng 6.
Tuy nhiên, việc giá đã lên cao cũng đồng nghĩa với khả năng gia tăng các động thái chốt lời ngắn hạn. Đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý.
Tuần qua, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect giảm gần 6,4% về mức 17.700 đồng/cp. Tuy nhiên với 2 phiên giảm mạnh cuối tuần (-10%), gần 156 triệu cổ phiếu VND đã được sang tay.
Phiên chiều 10 và 11/7 tới đây, lần lượt 106 triệu và 50 triệu cổ phiếu VND sẽ về tài khoản nhà đầu tư. Con số khổng lồ này có thể tạo sức ép lớn trong trường hợp cổ phiếu VND tiếp tục điều chỉnh (một số nhà đầu tư theo trường phái đầu tư T+ có thể bán cắt lỗ).
Xem thêm: 106 triệu cổ phiếu VND sắp về tài khoản chứng sĩ chiều 10/7: Phe đánh T+ dễ trắng tay
Cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco tiếp tục "lên hương" nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2/2023 tăng ấn tượng, dự phóng lợi nhuận vượt mức 400 tỷ đồng.
Chuỗi lên điểm của DBC hiện vẫn chưa dừng lại. Tại mức 24.450 đồng thị giá, mã đã tăng gần 87% sau 4 tháng. Đáng nói 4 phiên tăng gần nhất, các động thái mua vào tăng mạnh trong đó chủ yếu là giao dịch của dòng tiền "cá mập".
Doanh nghiệp bất động sản sàn HoSE trúng đấu giá khu đất rộng 21.000m2 tại Hà Nam
Doanh nghiệp 67.000 tỷ đồng sắp niêm yết sàn HoSE: Kỳ vọng mới cho gần 40.000 cổ đông